KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27.2.1955 - 27.2.2020)
“Cuộc chiến” với Covid-19
Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2 năm nay rất đặc biệt. Bởi, những người khoác trên mình chiếc áo của nghề y đang căng mình, dồn sức chống dịch Covid-19.
Các bác sĩ, điều dưỡng khoa Truyền nhiễm (BVĐK tỉnh) sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân Covid-19.
Cuộc chiến chống Covid-19 là sự vào cuộc của tất cả cấp, ngành, đơn vị, cùng với những chiến sĩ mặc áo blouse trắng. Không chỉ là những bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, mà đó còn là những “chiến sĩ” ngày đêm âm thầm làm việc, từ việc điều tra dịch tễ của các ca bệnh, ca nghi nhiễm đến việc tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để xử lý. Cùng với đó, là những người “đứng phía sau” nhưng lại đóng vai trò là “tổng hành dinh” trong chỉ đạo, lên tất cả phương án, kế hoạch cho đến trực tiếp chuẩn bị vật tư, trang thiết bị y tế để đảm bảo cho “tuyến trước” chống dịch thông suốt.
“Công việc này không làm thì ai làm!”
Lệnh các nhân viên y tế của BVĐK tỉnh chuẩn bị sẵn sàng cho công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút mới của SARS-CoV-2 đưa ra ngay trong thời điểm Tết Nguyên đán. Tâm điểm là khoa Truyền nhiễm của bệnh viện, mọi công tác chuẩn bị ráo riết từ rà soát cơ sở hạ tầng, nhân lực cho đến di dời toàn bộ bệnh nhân đang điều trị đi khoa khác.
Mọi công tác chuẩn bị vừa hoàn tất đến ngày 2.2, thì ngay hôm sau tầm trưa 3.2, ca bệnh sốt, ho của một bệnh nhân đi từ vùng dịch Khánh Hòa về Quy Nhơn, được BVĐK tỉnh - phần mở rộng xác định có yếu tố dịch tễ và chuyển viện sang BVĐK tỉnh thực hiện điều trị cách ly. Đến tối, thêm ca bệnh nghi nhiễm được chuyển viện từ BVĐK khu vực Bồng Sơn.
Rồi ngay hôm sau, 4 ca nghi nhiễm ở TP Quy Nhơn, Phù Cát tiếp tục được chuyển viện lên BVĐK tỉnh, tất cả đều rơi vào ca trực của bác sĩ CKII Phạm Châu Duy - Trưởng khoa Truyền nhiễm và nữ điều dưỡng Đặng Thị Minh Nguyệt. Chị Nguyệt chia sẻ cảm giác nhẹ nhõm khi có thông tin các mẫu xét nghiệm của các bệnh nhân điều trị cách ly âm tính với vi rút SARS-CoV-2: “Không như các bệnh truyền nhiễm khác, việc điều trị và cách ly bệnh nhân Covid-19 dẫu chỉ là nghi nhiễm rất nghiêm ngặt, theo đúng quy trình cách ly điều trị 14 ngày. Trong khoảng thời gian ấy, chúng tôi cũng xác định trường hợp sẵn sàng cùng cách ly với bệnh nhân khi họ có kết quả xét nghiệm dương tính. Nói không có chút nào lo lắng cũng không đúng, nhưng mình làm nghề, công việc này không làm thì ai làm! ”.
Hơn 10 ngày nay, khoa Truyền nhiễm không còn ca điều trị cách ly bệnh nhân, nhưng các bác sĩ, điều dưỡng tại đây vẫn phải luôn trong tâm thế sẵn sàng. 30 bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý chỉ trừ 2 điều dưỡng nghỉ thai sản, còn lại chia thành các kíp trực sẵn sàng. 22 năm gắn bó với khoa Truyền nhiễm, Trưởng khoa Phạm Châu Duy nói gọn: “Khoa Truyền nhiễm là rốn điều trị bệnh truyền nhiễm, nên tất thảy nhân viên đã được rèn luyện thần kinh nhiều rồi. Hơn chục năm trước là dịch SARS, cúm A(H1N1)… giờ đến Covid-19 thì cũng không có gì lúng túng. Vả lại, ai cũng có ý thức phòng bệnh và giữ gìn cho gia đình”.
Khu vực cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19 tại BVĐK tỉnh.
Trong phương án tiếp nhận điều trị cách ly bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh, BVĐK tỉnh là tuyến cuối điều trị. Phó Giám đốc bệnh viện Võ Bảo Dũng cho hay, 2 đội “phản ứng nhanh” được thành lập sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới; 5 tổ hỗ trợ tăng cường điều trị cho khoa Truyền nhiễm. Các kế hoạch đáp ứng thu dung, điều trị cách ly bệnh nhân liên tục được cập nhật, bệnh viện ban hành các quy trình tiếp nhận, điều trị với kịch bản cho từng tình huống tiếp nhận bệnh.
“Gác cửa” ngăn dịch
Không chỉ những y bác sĩ nơi tuyến đầu trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19, những nhân viên y tế làm công tác dự phòng cũng vất vả, hiểm nguy không kém.
23 giờ khuya 25.2, tàu hàng hải EASTERN OPAL đến từ Hồng Kông với 14 thuyền viên Trung Quốc và 3 thuyền viên Myanmar cập cảng Quy Nhơn. Bác sĩ CKI Nguyễn Ngọc Phúc, Phó phụ trách khoa Kiểm dịch Y tế quốc tế (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cùng bác sĩ Trần Đức Duy lên đường làm nhiệm vụ. Công việc của tổ kiểm dịch y tế tại cảng biển Quy Nhơn là thực hiện công tác giám sát dịch, kiểm dịch y tế.
Tổ kiểm dịch y tế tại cảng biển Quy Nhơn tiến hành đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe thuyền viên tàu hàng đến từ các nước có dịch Covid-19.
Đối với tàu nhập cảnh từ vùng nguy cơ cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, thực hiện kiểm dịch tại phao số 0, như kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế từng thành viên khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở và đi đến vùng dịch tễ neo đậu tại phao số 0 cách ly hoàn toàn. Nếu sức khỏe thuyền viên bình thường cho tàu cập cầu tại cảng, phối hợp Đồn Biên phòng Cửa khẩu cách ly không cho thuyền viên lên bờ; tiếp tục giám sát khi có triệu chứng nghi ngờ cách ly tại phòng cách ly tạm thời cảng Quy Nhơn. Các tàu nhập cảnh từ các quốc gia có nguy cơ thấp, giám sát chặt chẽ tại cầu cảng. Không sợ hiểm nguy của dịch bệnh, bác sĩ Phúc bảo: “Đối với công tác kiểm dịch tại cảng Quy Nhơn, cái khó nhất của công việc kiểm dịch y tế là sóng to, gió lớn khi thực hiện kiểm dịch tại phao số 0 đối với các tàu hàng đến từ các nước có dịch Covid-19 mà thôi!”.
Còn bác sĩ CKI Huỳnh Vĩnh Thu, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết, thời điểm ca bệnh đầu tiên được người dân thông tin về việc nghi nhiễm Covid-19 tại thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn), việc khoanh vùng dịch tễ, xác định những người có tiếp xúc gần với người bệnh, xử lý môi trường xung quanh nhà bệnh nhân được tiến hành khẩn trương. Chỉ sau khi các mẫu xét nghiệm của bệnh nhân điều trị cách ly trong diện bị nghi nhiễm Covid-19 được Viện Pasteur Nha Trang đóng dấu âm tính, ca xử lý bệnh mới tạm gọi là xong.
Mọi công tác chuẩn bị, phương án và kịch bản của ngành Y tế, cũng như công tác phối hợp liên ngành cho phòng, chống dịch Covid-19 đều sẵn sàng. Nhưng, những ngày gần đây, khi “tâm dịch” Covid-19 tại Trung Quốc tạm lắng xuống, “ổ dịch” mới lại bùng phát mạnh tại Hàn Quốc, phương án giám sát dịch để ngăn chặn nguồn lây nhiễm vào Bình Định lại được điều chỉnh. Dường như không có sự ngơi nghỉ. Bởi, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng khẳng định: “Đến thời điểm này, Bình Định chưa ghi nhận ca bệnh Covid-19 nào, các kết quả xét nghiệm đều âm tính. Công tác kiểm soát phòng dịch ở vòng ngoài đang được thực hiện tốt, nhưng không thể chủ quan, lơ là. Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, cuộc chiến này vẫn sẽ tiếp tục…”.
THU HIỀN