Kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2020)
Ký ức về người thầy thuốc cách mạng và tình quân dân
Kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2020), tôi càng nhớ về người y sỹ ấy. Đó là người thầy thuốc cách mạng trên tuyến đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã không quản ngại gian nguy, đến với người dân quê tôi làm nhiệm vụ chữa bệnh, cứu người.
Người thầy thuốc yêu quý trong câu chuyện tôi kể sau đây là y sỹ Vũ Hồng Phong, nguyên Giám đốc Trung tâm y tế huyện Hoài Nhơn.
Thầy thuốc Vũ Hồng Phong, ảnh chụp năm 1966.
Ký ức không thể nào quên
Một buổi chiều giữa mùa xuân năm 1965, lúc trời gần tắt nắng, hai chiếc máy bay ném bom “Dakuta” của giặc bay thấp từ phía nam ra, quần đảo đôi vòng rồi đánh bom xuống chợ Đàn, làm nhiều người chết và bị thương. Ở làng tôi có bà Chín bị thương nặng.
Bà Chín được đưa về, nhưng không ai biết làm sao để cứu chữa, bởi y tế lúc đó ở quê tôi là con số không. Vì vậy, bà Chín nhanh chóng yếu đi, đến sáng ngày thứ ba dường như không còn thở nữa. Mọi người nghĩ bà đã chết.
Gia đình tiến hành lo hậu sự cho bà, việc khâm liệm cũng sắp bắt đầu thì có người vội vã bước vào nói: “Dừng lại, có thầy thuốc cách mạng đến cứu!”. Tôi chạy ra ngõ nhìn, thấy hai bóng người đang bước nhanh. Đi trước là một người đàn ông dẫn đường, đi sau là thầy thuốc cách mạng trong bộ quân phục bộ đội, vai mang ba lô căng nặng, tất cả đều chung một màu xám đất.
Người thầy thuốc ấy đến nơi, mồ hôi đẫm ướt vai áo, vội vã rửa tay chân, chỉnh lại trang phục và bắt tay thăm khám. Đặt ống nghe và sau một hồi theo dõi, ông nói: “Bà thím còn sống!”. Mọi người nghe mà ngỡ ngàng, nửa tin nửa ngờ.
Sau một thời gian dài được y sỹ Phong cấp cứu, bà Chín thở trở lại. Lúc này, ông thăm khám kỹ lại vết thương, phẫu thuật lấy mảnh bom ở vết thương sát vai, cổ ra và băng bó. Mảnh bom gắp ra cỡ 45 x 15 mm đen sì, cạnh góc rất sắc.
Xử lý vết thương xong, y sỹ Phong bước ra ngoài sân bình thản cười nhẹ và nói: “Ổn rồi, cũng thật may mắn vết thương tuy sâu nhưng không bị ra máu nhiều nên bà mới cầm cự được tới giờ”.
Theo lời mời, người y sỹ ấy uống ly nước dừa nạo giải khát, thứ quà quý nhất của Tam Quan quê tôi thời ấy mà người dân thường dùng để tiếp khách quý.
Ông nghỉ ngơi giây lát rồi tiếp tục lấy ra từ chiếc ba lô, thuốc và các thứ cần thiết, gửi lại và hướng dẫn gia đình tiếp tục chăm sóc cho bà Chín. Ông tạm biệt mọi người trở về đơn vị. Số thuốc y sỹ Phong để lại đã giúp vết thương bà Chín lành, khỏe lại và sống thêm 31 năm nữa, thọ 88 tuổi.
Y sỹ Phong cứ thế tiếp tục đi mãi đến ngày toàn thắng mới có dịp trở lại thăm gia đình và bệnh nhân cũ. Còn người dân quê tôi vẫn bám trụ ở xóm làng này, họ nguyện cầu cho ông được bình an mạnh khỏe trong cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ. Trong số những người có mặt hôm đó, có những người thuộc thế hệ cha chú của tôi sau đó một thời gian cũng đã thoát ly đi kháng chiến; có nhiều người đã hy sinh, nhiều gia đình là cơ sở chí cốt của cách mạng.
Thầy thuốc Vũ Hồng Phong (trái) và tác giả bài viết.
Quê hương nghĩa nặng tình sâu
Một ngày đầu xuân, như lời hẹn trước, tôi được gặp thầy thuốc Vũ Hồng Phong. Trong ngôi nhà số 19 Ngô Tất Tố, TP Quy Nhơn, bên chén trà nóng tỏa hương, vị thầy thuốc 83 tuổi đời, 57 tuổi Đảng và có 46 năm tham gia cách mạng, còn nhanh nhẹn và hoạt bát, lại có dịp trải lòng về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và nghĩa tình quê hương đã theo ông suốt chặng đường dài...
Thầy thuốc Vũ Hồng Phong sinh ra và lớn lên ở thôn An Đỗ, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn. Trước tình cảnh đất nước bị Mỹ, Diệm âm mưu chia cắt, với tình yêu quê hương và nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông sớm giác ngộ cách mạng. 18 tuổi, ông tham gia kháng chiến, là thành viên của trung đội Thanh niên xã Hoài Sơn, hoạt động trên địa bàn xã.
Đến năm 1963, ông được tổ chức cho đi học y tá, ra trường được điều về bệnh xá Hoài Nhơn tại núi Đá Bàn (xã Hoài Phú). Năm 1968, ông học y sĩ tại Trường Y sĩ tỉnh, ra trường về công tác tại Ban Dân y tỉnh từ năm 1969 - 1972.
Từ năm 1972 cho đến năm 2001, ông công tác trong ngành y của huyện Hoài Nhơn, kinh qua nhiều cương vị khác nhau: Trưởng phòng Y tế huyện, Giám đốc Y viện Hoài Nhơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoài Nhơn, Trưởng ban Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn. Năm 2001, ông nghỉ hưu.
“So với anh chị em cùng thời, tôi còn sống đến giờ đây là may mắn và hạnh phúc lắm rồi…”, ông nghẹn giọng hồi tưởng.
Nhớ về quá khứ, ông cũng bồi hồi chia sẻ về những nỗ lực của mình để đóng góp cho nền y tế địa phương. Đầu tiên là góp phần xây dựng, đào tạo, phát triển nguồn lực cán bộ y tế ở Hoài Nhơn. Trong kháng chiến, ông đã tham gia đào tạo nhiều lớp y tá để xây dựng tuyến y tế các trạm, trong số đó có đồng chí Võ Nhật Tịnh - sau này là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn. Trong vai trò lãnh đạo ngành y ở huyện, ông đã có kế hoạch xây dựng và phát triển đội ngũ thầy thuốc địa phương, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý kế cận đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân trên địa bàn.
Đặc biệt, ông rất tâm đắc với kế hoạch chiến lược phát triển mạng lưới y tế tại địa bàn Hoài Nhơn của mình. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất với cấp trên và trực tiếp chấp bút đề án xây dựng Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn; trực tiếp ra Hà Nội mời cố GS Phạm Song, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Y tế, vào Hoài Nhơn khảo sát thực tế để Bộ Y tế đồng ý phê duyệt đề án xây dựng Bệnh viện. Bệnh viện này ra đời đã phát huy hiệu quả, đảm nhận công tác khám chữa bệnh cho nhân dân các huyện bắc tỉnh Bình Định và phía nam Quảng Ngãi, giảm tải cho BVĐK tỉnh.
Thay lời kết
Trước lúc chia tay, thầy thuốc Vũ Hồng Phong nhắn gửi: “Kỷ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, tôi xin được tri ân các đồng đội một thời vào sinh ra tử, một thời không quản ngại hy sinh để chữa bệnh cứu người. Xin chúc các thầy thuốc, cán bộ, viên chức ngành y tế luôn mạnh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ vẻ vang mà thầm lặng, luôn làm tốt lời Bác Hồ dạy “Lương y phải như từ mẫu”. Xin gửi lời chúc mừng đến sự phát triển của hai đơn vị tôi đã một thời gắn bó là Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn và Tung tâm Y tế huyện Hoài Nhơn”.
Với tôi, người ngoại đạo ngành y, xin dành sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn sâu sắc đến thế hệ các thầy thuốc Việt Nam. Dẫu trong thời chiến hay thời bình hôm nay, họ vẫn giữ được những truyền thống tốt đẹp, cao quý.
NGUYỄN TRƯƠNG
Cảm ơn Thầy đã nhắc lại một kỷ niệm đẹp trong thời chinh chiến !