Đưa sản phẩm chiếu cói Hoài Nhơn vươn xa
Nghề làm chiếu ở huyện Hoài Nhơn có từ rất lâu, hiện có hơn 360 hộ tham gia sản xuất chiếu cói, tập trung ở các xã Hoài Châu Bắc, Tam Quan Bắc, Hoài Châu, Tam Quan Nam và thị trấn Tam Quan. Bên cạnh phương thức sản xuất bằng tay truyền thống, nhiều cơ sở đã áp dụng máy móc vào qui trình sản xuất để cạnh tranh chất lượng và giá với các sản phẩm cùng loại và đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng.
Xã Hoài Châu Bắc có diện tích trồng cói lớn nhất, với gần 50 ha, trước đây hầu hết các công đoạn sản xuất đều bằng thủ công, do vậy sản phẩm đầu ra không được nhiều, bình quân mỗi ngày 2 người làm được khoảng 3 đôi chiếu. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, máy dệt đã được đưa vào sử dụng nhiều hơn, đã có 80/155 hộ dệt chiếu bằng máy. Để hoàn thành một chiếc chiếu phải qua các công đoạn như: nhuộm màu cói, đem phơi sau đó dệt, cắt và cột phần đầu và đuôi rồi đem may biên. Cơ sở sản xuất chiếu của chị Võ Thị Cúc, ở thôn Gia An, xã Hoài Châu Bắc đã hoạt động hơn 10 năm, với 9 chiếc máy dệt mỗi ngày, cơ sở của chị sản xuất khoảng 100 chiếc chiếu, đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh như Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận…
Hiện nay, chiếu ở Hoài Châu Bắc có các kích cỡ 1m x 2m, 1,4m x 2m, 1,6m x 2m, giá bán từ 65 đến 100 nghìn đồng mỗi chiếc. Theo những người làm chiếu lâu năm, sở dĩ chiếu nơi đây được nhiều khách hàng lựa chọn là nhờ chất lượng cây cói tốt, chiếu làm ra có những ưu điểm như: dày, màu sắc tươi sáng, sử dùng bền. Anh Lý Văn Khánh, chủ cơ sở sản xuất chiếu ở thôn Gia An Đông, xã Hoài Châu Bắc cho biết, chất lượng chiếu được quyết định bởi người thợ đứng máy dệt, những người làm lâu có kinh nghiệm họ sẽ tự điều chỉnh máy trong lúc dệt để cho ra chiếu có chất lượng tốt.
So với làm chiếu bằng tay truyền thống, làm chiếu bằng máy cho năng suất cao hơn, trung bình mỗi chiếc dệt bằng máy mất khoảng 45 phút. Điều khó khăn đối với các hộ làm chiếu hiện nay là nguồn nguyên liệu tại địa phương không đáp ứng đủ. Ngoài ra, cói nguyên liệu đang có giá cao hơn khoảng 50% so với trước đây, trong khi để ổn định đầu ra giá bán chiếu lại không tăng.
Trải qua hơn 200 năm, nghề dệt chiếu cói không chỉ là công việc quen thuộc của người dân nơi đây mà đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu khi nhắc đến vùng đất này. Tháng 9.2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Chiếu cói Hoài Nhơn”, đây là cơ hội để Hoài Nhơn khẳng định chất lượng và đưa chiếu cói đi xa hơn nữa.
PHAN TUẤN (thực hiện)