Một cõi riêng của Đào Viết Bửu
Sau tập thơ đầu tay - Ngày rêu xanh (NXB Hội Nhà văn, 2009) mãi đến mới rồi, nhà thơ Ðào Viết Bửu mới trở lại với Sự ẩn dụ của đá (NXB Hội Nhà văn, 2019). Thơ với Ðào Viết Bửu - như một cuộc chơi, túc tắc chữ nghĩa gom nhặt lòng mình, dìu nhau qua những buồn vui cuộc đời.
Tôi có nhiều lần tiếp xúc với ông, chủ yếu là cùng các bạn văn ở đất An Nhơn. Sau bao câu chuyện, mọi người lại dành một phần thời gian để nói về thơ. Mà cuộc gặp nào hễ có mặt là Đào Viết Bửu sẽ đọc thơ. Những câu thơ về mẹ, về đồng làng, về nỗi đời đắng đót của phận số, bật ra, rưng rưng. Khi ấy Đào Viết Bửu có một cõi riêng, ông đọc cho bạn văn mà như ông đang đối thoại với lòng mình.
Có lần, nghe tôi thắc mắc, ông mỉm cười cười khề khà, nhấp chén đáp, thì đúng mình từng là một ông giáo làng mà. Mình đi dạy từ trước năm bảy lăm, kiểu như ông giáo khổ trường tư ấy. Mãi tới năm 1988, mình mới thôi. Rồi cứ rong chơi khi làm ruộng, lúc làm bonsai, đục đẽo với đá. May mà mình được mẹ thương, vợ con nuông.
Đào Viết Bửu soi bóng mình trong câu thơ vắt dòng chắc, gọn, thả mình trong cuộc mưu sinh cơm áo. Nhưng có lúc, tháng năm phấn bảng với ăm ắp ký ức, bật lên thành những câu thơ khắc khoải: “Đã về với ruộng mặn chua/ Lấm thân lầm lũi theo mùa cùng em/ Nam già độ ấy còn đem/ Trống khai trường chạm lưỡi liềm khựng tay” (Tháng chín).
Ðào Viết Bửu SN 1950, quê ở Nhơn An, An Nhơn. Ông là hội viên Chi hội Văn học, Hội VHNT Bình Ðịnh. Ông đạt giải Khuyến khích Ðào Tấn - Xuân Diệu lần IV (2006 - 2010).
Đào Viết Bửu biến cuộc mưu sinh của mình thành cả một cuộc chơi dài, và ông đánh dấu bằng những kiếm tìm, bằng tự vấn. Nếu không như thế có lẽ trong một số giai đoạn, Đào Viết Bửu khó lòng vượt qua những gian khó cơm áo. “Bây giờ chữ nghĩa nặng bàn tay/ Chẻ đá qua ngày áo cơm khốn khó/ Chẻ cả âm thanh rơi vào phần số/ Khoảng giây nghe băng xướt đoạn đời/ Bằng lòng mình hòn đất mồ côi/ Cõng thiên thu trên lưng cỏ cây hoang dại/ Chẳng biết có người nhìn về xa ngái/ Mà chùng lòng người ơi” (Đôi điều người chẻ đá).
Càng nhiều tuổi người ta lại càng giàu chiêm nghiệm, dễ chạnh lòng. “Nguồn sông này/ Nhánh nào định phận anh/ Như mẩu bút chì không còn đầu tẩy/ Những phác thảo đời rừng trinh tiết ấy/ Đã mấy năm ở phố lỡ thì/ Tia chớp lóe đường mi/ Nỗi niềm lay động/ Chiếc lá trước tầm đơn độc/ Giọt sương rơi chạm đôi điều” (Với người vẽ nguồn sông). Thơ Đào Viết Bửu có lẽ vì thế nhiều bài ngắn, súc tích, giàu hình ảnh liên tưởng.
Ông sống sôi nổi, lúc nào cũng rộng lòng giúp đỡ mọi người và đôn hậu lạ kỳ. Rất nhiều người kết giao với ông chỉ vì điều này. Mới rồi, đúng một thập kỷ sau Ngày rêu xanh, ông đã trở lại cuộc chơi với thơ bằng tập Sự ẩn dụ của đá. Ngồi cùng bạn bè, thường thì ông sôi nổi chuyện trò. Riêng những lần tôi ngồi cùng ông, trước cửa nhà, tôi thấy ông dõi mắt về khoảnh vườn nhỏ trước mặt, những cội cây muôn hình vạn trạng, những tác phẩm đá dáng vẻ lúc mềm mại, khi gồ ghề. Ông nói, đá lặng thinh thôi nhưng đá cũng giống như con người, đá cũng có tiếng nói riêng của nó. Rồi ông lặng thinh. Đấy là những lúc hiếm hoi Đào Viết Bửu trầm lặng.
Tôi thích đến thăm ông tại nhà, ở Thanh Liêm, Nhơn An, An Nhơn. Thích ngắm ông tư lự ở ngay chiếc bàn cũ sờn trước nhà, bầu rượu, ấm trà… Chiếc bàn là nơi ông ngồi cùng bạn hữu những lúc họ thấy nhớ ông mà tìm đến. Hình như Đào Viết Bửu trình diễn thơ hay nhất là ở chốn này. Hôm tôi đến thăm, ông đọc đôi câu vụng về, rót thêm ly rượu, nâng chén, giọng như khản trầm mà lại rành rõ từng chữ: “Lại ngồi ôn từng ngày qua/ Lưng khòm cha đã chín già hoàng hôn/ Đường cò quạnh quẽ đầu non/ Ngủ trong tiếng nhái kêu giòn đêm thâu/ Thấm cay lời má ví dầu/ Ví rượu “đẳng cấp”…/ Ví cầu sinh nhai” (Ví dầu). Đọc xong bài thơ, mắt ông rưng rức đỏ thì thầm như nói một mình: “Tao nhớ má tao quá”.
Con người thơ Đào Viết Bửu sau bấy nhiêu năm tôi quen biết, vẫn thế. Tính cách và lối hành xử của ông vận cả vào trang thơ. Ngoài cái tình nồng ấm với đất với làng, với bằng hữu và những người thân, là chất chứa bao trăn trở, đau đáu.“Giờ thì trên ruộng soi vắng bặt thằng, ông/ Lũ se sẻ, dồng dộc, két, nhồng nhận biết/ Chim di trú nơi đâu mà biền biệt?/ Rã xác những nộm người như thiệt ở mắt nhớ lũ chim/ Khua gõ rân mâm, xoong, hù hụi giữ sởn sơ lúa tốt/ Trên đời này, ôi! Nhất nhì lũ chuột/ Nhìn vũng lúa nằm phơi/ Nhìn lại chúng tôi hóa thật bù nhìn” (Bù nhìn).
Lần này, mắt ông như sâu hun hút nỗi niềm… Thì cũng tròn 70 rồi còn gì!
NGÔ PHONG