Người nuôi tôm hùm gặp khó
Những năm qua, nghề nuôi tôm hùm thương phẩm ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn phát triển mạnh, góp phần phát triển KT-XH địa phương, giúp người dân có thu nhập khá, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, hiện giá tôm giảm sâu khiến người nuôi lao đao. Tôm hùm bông (tôm sao - loại tôm có giá trị kinh tế cao) hiện ở mức 1,2 - 1,3 triệu đồng/kg, giảm 500 - 700 nghìn đồng/kg so với thời điểm trước Tết Canh Tý; tôm hùm xanh ở mức 600 - 700 nghìn đồng/kg, giảm 200 - 300 nghìn đồng/kg.
Ông Phạm Quang Minh, ở thôn Hải Nam, thả nuôi hơn 1.000 con tôm sao, đạt trọng lượng từ 0,7 - 0,8 kg/con, dù đã đánh tiếng nhiều nhưng đến giờ vẫn chưa thương lái nào đến mua. Ông Minh cho biết: “Mọi năm, tầm này là họ chủ động gọi điện để đặt hàng trước, bởi tôm đến cỡ này là khoảng 2 tháng nữa xuất bán. Nay, tôi phải gọi điện mời bạn hàng đến mua nhưng chưa ai nhận lời. Họ cho biết là chưa tìm được nơi tiêu thụ. Giá tôm giảm sâu, chi phí thức ăn tăng cao, lại không bán được tôm, rủi mà phát sinh dịch bệnh thì lỗ rất nặng”.
Bè nuôi tôm hùm ở Nhơn Hải.
Cùng chung nỗi niềm, ông Trần Văn Mọi, ở thôn Hải Đông, bộc bạch: “Tôi thả nuôi 1.500 con tôm sao, giờ nghe giá giảm, lại không bán được thì mất vui. Bữa giờ theo dõi thông tin trên mạng thấy dân tình hô hào “giải cứu” tôm hùm, tôi thấy rất buồn. Đã sản xuất, kinh doanh thì lời ăn lỗ chịu, không ai ở đây lại kêu gọi mọi người rủ lòng thương kiểu như thế. Hơn nữa, theo thông tin trên mạng, tôm hùm thịt có giá 200 - 300 nghìn đồng/kg. Đây là một kiểu tin tức gây nguy hiểm cho người nuôi tôm chúng tôi, bởi tôm xanh loại rẻ nhất cũng đã lên tới 600 nghìn đồng/kg rồi”.
Vụ nuôi năm 2019 - 2020, toàn xã Nhơn Hải có 63 hộ thả nuôi 72.300 con tôm hùm thịt/32 bè nuôi. Lý giải về nguyên nhân giá tôm giảm sâu, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Hải, cho hay: “Lâu nay tôm hùm chủ yếu được các thương lái ở Phú Yên, Khánh Hòa đến mua gom và xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc; giá cả tùy loại, phụ thuộc vào thị trường. Thời điểm này, tôm nuôi đến kỳ chuẩn bị xuất bán, nhưng thị trường Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu tôm hùm do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên người nuôi tôm hùm ở đâu cũng than khó”.
Liên quan đến vấn đề vùng nuôi tôm hùm tại Hải Giang sau này sẽ được giao cho DN đầu tư du lịch, ông Nguyễn Văn Điện, một người nuôi tôm ở thôn Hải Nam, kiến nghị: “Chỉ có vùng biển Hải Giang kín gió, chắn sóng mới nuôi được tôm hùm thịt. Giao mặt nước Hải Giang cho DN làm du lịch thì bà con phải chuyển nghề để mưu sinh. Chúng tôi gắn bó với nghề nuôi tôm đã nhiều năm, nên rất mong Nhà nước có giải pháp đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và DN”.
Trao đổi về nguyện vọng của người nuôi tôm, ông Lê Công Trình, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: “Xã cũng đã mời những người nuôi tôm đến họp, để thông báo chủ trương di dời lồng, bè nuôi tôm, bàn giao mặt nước cho nhà đầu tư theo chủ trương của tỉnh. Đồng thời, đề nghị cấp trên cho phép bà con được duy trì lồng bè nuôi tiếp cho đến khi nhà đầu tư bắt tay vào triển khai dự án. Xã cũng định hướng chuyển đổi nghề cho ngư dân, hướng đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khai thác, nuôi trồng thủy sản sang phát triển dịch vụ, du lịch biển”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN