Tung tin sai sự thật, bị phạt đến 20 triệu đồng
Nghị định 15/2020/NÐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 15.4.2020) quy định rõ hơn về hành vi vi phạm và trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, kèm theo là mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tung thông tin giả mạo, xuyên tạc, vu khống, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội. Ông Trần Quang Triết, Chánh Thanh tra Sở TT&TT, trao đổi với phóng viên Báo Bình Ðịnh về một số nội dung đáng chú ý của Nghị định này.
Ông Triết cho biết: So với Nghị định 174/2013/NĐ-CP, Nghị định 15/2020/NĐ-CP (NĐ 15) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, đã quy định rõ hơn, chi tiết hơn việc xử lý các thông tin sai lệch, giả mạo trên mạng xã hội. Trong đó, trách nhiệm cá nhân của người tham gia mạng xã hội đã được quy định cụ thể tại Điều 101 “vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội”.
● Vậy mức phạt quy định cụ thể ra sao, thưa ông?
- Cụ thể, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc…
Nghị định này còn quy định phạt tiền 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 Điều 101 của nghị định này.
● Thời gian qua, tại Bình Định đã có một số trường hợp bị xử phạt vì thông tin sai sự thật, trong đó có vấn đề rất nóng hiện nay là về bệnh Covid-19. Ông có khuyến cáo gì với người dùng mạng xã hội, nhất là khi NĐ 15 sắp có hiệu lực thi hành?
- Phải khẳng định rằng, mạng xã hội đã mang lại cho cộng đồng những tiện ích vô cùng lớn trong học tập, giao tiếp và nghề nghiệp… Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội còn là nơi phát tán nhiều thông tin sai sự thật, bịa đặt, lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Người sử dụng mạng xã hội cần cẩn trọng trong việc chia sẻ hình ảnh, thông tin. Ảnh minh họa
Những ngày qua, thông tin về phòng chống dịch bệnh Covid-19 luôn được các cơ quan chức năng cập nhật công khai, kịp thời. Tuy nhiên, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang dư luận. Cá biệt, một số nghệ sĩ nổi tiếng còn chia sẻ thông tin trên các tài khoản cá nhân khi chưa kiểm định rõ thông tin trên mạng xã hội về dịch bệnh Covid-19, đã bị cơ quan chức năng xử phạt theo quy định của pháp luật. Tại Bình Định, Thanh tra Sở TT&TT đã xử phạt 1 trường hợp vi phạm về hành vi này.
Tôi nhấn mạnh: NĐ 15 có hiệu lực thi hành từ 15.4.2020, quy định mức xử phạt những hành vi cung cấp thông tin giả, sai lệch gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội là rất nặng. Do đó, mỗi cá nhân khi sử dụng mạng xã hội cần chọn lọc tin tức từ những nguồn tin chính thống, có độ xác tín cao. Người sử dụng mạng xã hội nên tạo cho mình thói quen kiểm chứng thông tin, xem thông tin trên mạng xã hội đăng tải có đúng hoặc có vi phạm pháp luật không, để từ đó tránh đăng những phát ngôn, chia sẻ, nội dung, hình ảnh vi phạm pháp luật...
● Trường hợp người dùng mạng xã hội bị lấy trộm tài khoản cá nhân thì có phải chịu trách nhiệm khi thông tin đăng tải vi phạm các quy định không, thưa ông?
- Người dùng mạng xã hội khi bị lấy cắp tài khoản cá nhân, ngoài việc khôi phục tài khoản, cần trình báo cơ quan chức năng việc tài khoản mạng xã hội bị người khác chiếm đoạt. Người dùng mạng xã hội có thể tố cáo hành vi này đến cơ quan cảnh sát điều tra CA nơi người đó cư trú, nếu phát hiện tài khoản mạng xã hội của mình bị lấy cắp và có dấu hiệu thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như đăng thông tin sai sự thật, lừa đảo. Đồng thời, gửi kèm các bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo là có cơ sở, như: Nội dung tin nhắn qua facebook, số điện thoại, địa chỉ facebook…
Tùy tính chất, mức độ, hành vi vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự hoặc xử lý hành chính theo NĐ 15. Điều 102 của NĐ 15 quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa trên mạng...
● Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)