Lạm dụng thuốc trong điều trị: Hậu quả khôn lường
Ở nước ta, việc sử dụng thuốc kháng sinh vẫn còn bị lạm dụng hoặc chưa hợp lý. Tại Hội nghị tổng kết các hoạt động cảnh giác dược năm 2013 vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, việc sử dụng nhiều loại kháng sinh đắt tiền không những kéo theo chi phí tiền thuốc tăng mà còn khiến nhiều loại kháng sinh dần dần bị vô hiệu hóa, gây ra những hậu quả khôn lường cho người sử dụng.
Tác hại khi dung kháng sinh không hợp lý
Báo cáo của Trường Đại học Dược Hà Nội cho thấy, Việt Nam có số lượng người bệnh sử dụng kháng sinh cao, gấp 5 lần số liệu của các nước Châu Âu. Đặc biệt, tình trạng lạm dụng kháng sinh không hợp lý đã đến mức báo động. Phần lớn người dân tự ý mua kháng sinh, tự điều trị không cần chẩn đoán, không cần kê đơn. Tỷ lệ này ở thành thị là 88%, trong khi ở nông thôn là 91%.
Thực trạng dễ thấy hiện nay là nhiều người do ngại đến bệnh viện nên tìm mua kháng sinh giống đợt điều trị trước để uống. Thậm chí, nhiều người bị cảm cúm do virus cũng tự mua kháng sinh về dùng với mong muốn nhanh khỏi bệnh. Việc sử dụng kháng sinh tùy tiện, không đủ liều, không đủ thời gian khá phổ biến. Tất cả những nguyên nhân này đang làm gia tăng tình trạng vi khuẩn kháng lại hầu hết các kháng sinh thông thường, kể cả một số loại kháng sinh mới đưa vào sử dụng.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Cao Thái Hưng, nguyên nhân kháng thuốc là do sử dụng thuốc kháng khuẩn không thích hợp, chất lượng thuốc không bảo đảm, đồng thời, việc phòng và kiểm soát bệnh nhiễm khuẩn không hiệu quả, hệ thống giám sát về thuốc chưa được thiết lập. Mặt khác, các quy trình chuyên môn về khám, chữa bệnh chưa đầy đủ, nhận thức của cộng đồng, cán bộ y tế về kháng thuốc còn hạn chế. Đáng lo ngại là mức độ và tốc độ sử dụng thuốc ngày càng tăng khiến các bệnh viện phải đối mặt với nhiều vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng lớn, chi phí điều trị tăng, ngày điều trị kéo dài, nguy cơ tử vong cao... "Cần có những biện pháp giám sát, sử dụng kháng sinh trong cộng đồng và các cơ sở y tế. Ngoài việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chống kháng thuốc, Bộ Y tế cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng thuốc hợp lý, hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng dùng kháng sinh tùy tiện" - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề xuất.
Sự "vào cuộc" của hệ thống cảnh giác dược
Để tăng cường nâng cao nhận thức sử dụng thuốc hợp lý, các chuyên gia khuyến cáo, các bác sĩ lâm sàng phải "tiên phong", tránh lạm dụng kê đơn thuốc "quá tay", đồng thời khai thác kỹ hơn về tiền sử sử dụng thuốc của bệnh nhân, cần ghi chép lại đơn thuốc xuất viện trong các hồ sơ bệnh án. Bên cạnh đó, tăng cường phát huy vai trò của hệ thống cảnh giác dược. Việc đưa ra các báo cáo về tác dụng phụ của thuốc có thể giúp các bác sĩ thận trọng hơn khi kê đơn cho bệnh nhân. Điều này làm giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị cũng như bảo vệ tính mạng người bệnh.
Báo cáo của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho thấy, thông qua hệ thống cảnh giác dược, năm 2013 Cục đã đình chỉ lưu hành và thu hồi một số thuốc khỏi thị trường. Mới đây nhất là đình chỉ dịch truyền Relab (tức albumin) 20% vì sau khi sử dụng, bệnh nhân có biểu hiện sốc phản vệ như: rét run, huyết áp tăng, mạch nhanh và sốt cao. Thuốc đình chỉ thứ hai là thuốc tiêm chứa tolperidon (thuốc giãn cơ, tăng trưởng lực cơ) do hiệu quả không được chứng minh rõ ràng và có nhiều tác dụng không mong muốn.
Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội, hệ thống cảnh giác dược giúp phát hiện kịp thời, hiệu quả các nguy cơ và lợi ích khi sử dụng thuốc như: Giám sát phản ứng có hại chưa biết của thuốc, thuốc kém chất lượng, sai sót trong sử dụng thuốc. Qua đó, giúp các cấp quản lý đưa ra các quyết định cần thiết, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tăng cường sử dụng thuốc hợp lý. "Nếu người thầy thuốc quan tâm thì 70% phản ứng có hại của thuốc có thể phòng tránh được. Do đó, hoạt động giám sát phản ứng có hại của thuốc cần sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của bác sĩ, dược sĩ và điều dưỡng viên. Nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề an toàn trong sử dụng thuốc, khuyến khích cán bộ y tế báo cáo phản ứng có hại của thuốc như nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời là một phần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp" - PGS.TS Nguyễn Đăng Hòa nhấn mạnh.
Theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, mỗi năm hệ thống kiểm thuốc trong cả nước đã kiểm tra hàng chục nghìn mẫu thuốc. Kết quả cho thấy, số lượng thuốc kém chất lượng luôn chiếm từ 2,67% đến 3,33% số mẫu kiểm nghiệm. Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, định hướng của Chính sách quốc gia về dược năm 2011-2020, tầm nhìn 2030, ngành dược phấn đấu đạt được những tiêu chuẩn của các nước phát triển trên thế giới. Trong đó, quy hoạch và hoàn thiện hệ thống cảnh giác dược trên phạm vi toàn quốc, dự báo phòng, tránh những tác dụng không mong muốn của thuốc, bảo đảm an toàn cho người sử dụng thuốc.
. Theo Thu Trang (HNMO)