CHỐNG KHAI THÁC IUU:
Không có chuyện gì là không thể làm được!
Ðây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bình Ðịnh tổ chức tại TP Quy Nhơn sáng 28.2.
Cùng dự có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT. Về phía tỉnh Bình Định có Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu và đại diện 28 tỉnh, thành ven biển cả nước.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (người đứng thứ 4 từ trái sang) và Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng (người đứng thứ 3 từ trái sang) kiểm tra việc làm thủ tục cho tàu cá ra vào cảng tại cảng cá Quy Nhơn.
Còn nhiều khó khăn
Sau khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” thủy sản, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương vào cuộc quyết liệt chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) đạt nhiều kết quả tích cực. Tại Bình Định, nhiều biện pháp chống khai thác IUU được triển khai đồng bộ, song vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
“Bộ ghi nhận những kiến nghị của các tỉnh, thành và sẽ tập trung kiến nghị với Chính Phủ để tháo gỡ. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, nếu chính quyền địa phương làm tốt, Bí thư, Chủ tịch tỉnh xắn tay áo lên làm thì dứt khoát không có chuyện gì là không làm được. Các địa phương cần tổ chức thực hiện cương quyết, đừng tìm lý do ngụy biện do khó khăn, mà không tìm giải pháp khắc phục…”
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT NGUYỄN XUÂN CƯỜNG
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, báo cáo: Bình Định vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết, như: Tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn tiếp diễn; hạ tầng các cảng cá, khu neo đậu chưa được đầu tư đồng bộ; tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá chưa đảm bảo tiến độ theo lộ trình… Đặc biệt, có nhiều tàu cá xuất bến ở ngoài tỉnh và thường xuyên không về tỉnh hoặc tàu được bán cho ngư dân tỉnh khác nhưng vẫn mang số hiệu Bình Định; khoảng 90% nhóm tàu này thường vi phạm vùng biển nước ngoài, gây nhiều khó khăn trong việc điều tra, xử lý.
Tỉnh Kiên Giang là địa phương đi đầu trong cả nước triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá trước khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực, nhưng tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn chưa dứt. Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, kiến nghị: “Không phải ngư dân không nhận thức, mà là cố tình vi phạm vì lợi ích kinh tế. Thậm chí có trường hợp chủ tàu, thuyền trưởng khi ra khơi tháo thiết bị giám sát hành trình gắn sang tàu khác để dễ bề vi phạm, rồi khi về bờ lấy máy gắn lại để đối phó. Chúng tôi đề nghị Bộ NN&PTNT cần có giải pháp thống nhất quản lý tàu cá từ Trung ương đến địa phương, việc quản lý đồng bộ sẽ đạt hiệu quả cao hơn”.
Theo Bộ NN&PTNT, sau 2 năm EC cảnh báo “thẻ vàng”, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu (EU) giảm 6,5%. Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, EU đã tụt xuống đứng vị trí thứ 5 và tỷ trọng sụt giảm từ 18% xuống còn 13%. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, khẳng định: “Không phải vì EC phạt “thẻ vàng” mà chúng ta mới làm, cũng chẳng phải làm là để đối phó với EC. Chúng ta kiểm soát thật tốt là vì danh dự Việt Nam, vì phải đảm bảo nguồn lợi hải sản bền vững, ổn định sinh kế, có vậy thì trong tương lai con cháu sau này mới còn hưởng lợi từ biển”.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng (người đứng giữa) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu (người đứng ngoài cùng bên phải) thăm hỏi, động viên ngư dân đến làm thủ tục cho tàu nhập cảng tại cảng cá Quy Nhơn.
Phải làm quyết liệt hơn nữa
Bộ NN&PTNT đánh giá cao sự nỗ lực vào cuộc quyết liệt của các địa phương làm tốt công tác chống khai thác IUU, đặc biệt là các tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi, Kiên Giang… Tuy nhiên, tình trạng tàu cá vi phạm vẫn còn, đây chính là dấu hiệu buộc Trung ương cùng 28 tỉnh, thành phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tới tháng 6.2020, khi Đoàn kiểm tra của EC sang Việt Nam kiểm tra IUU lần 3 chúng ta sẽ đạt kết quả tốt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, cho hay: Tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh, chính quyền các địa phương ven biển thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” EC. Bởi đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của tỉnh Bình Định, mà còn là nhiệm vụ chung của cả nước. Tỉnh cũng đề nghị Bộ NN& PTNT có hướng dẫn cụ thể và chỉ đạo thực hiện thống nhất trong thực thi Luật Thủy sản, các giải pháp chống khai thác IUU trên cả nước; bố trí vốn để đầu tư xây dựng cảng cá Tam Quan. Các tỉnh, thành phía Nam phối hợp, hỗ trợ Bình Định để quản lý các tàu cá Bình Định đánh bắt, cập bến tại các cảng cá của tỉnh bạn để hạn chế tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài, chung tay hoàn thành mục tiêu chung.
Trước những kiến nghị của các địa phương về những vướng mắc khó khăn về công tác quản lý tàu cá, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho biết: Các tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài được chia ra 2 trường hợp: Chủ tàu ở nhà, thuyền trưởng đi biển rồi vi phạm và trường hợp chủ tàu kiêm thuyền trưởng đi biển bị vi phạm. Tuy nhiên, Luật Thủy sản cũng quy định rõ việc xử lý, xử phạt các trường hợp này; trong đó căn cứ quan trọng để xử lý hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài là dữ liệu trên thiết bị giám sát hành trình. Nhưng cũng cần phải có thông báo chung cho các tỉnh, thành để đưa nhóm tàu này vào nhóm có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài để quản lý.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao sự nỗ lực của 28 tỉnh, thành ven biển trong việc triển khai chống khai thác IUU, đồng thời, đề nghị các địa phương tăng cường thực thi Luật Thủy sản; đẩy mạnh công tác quản lý tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đúng tiến độ nhằm hạn chế triệt để tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; chú trọng hơn nữa công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản; tập trung rà soát để có hướng tái cơ cấu phát triển ngành thủy sản ở địa phương... tiến tới xây dựng một nghề cá hiện đại, có trách nhiệm, có quản trị và phát triển bền vững. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Chúng ta phải quyết tâm cùng nhau làm cho được những việc chúng ta tin là đúng, là cần thiết, phù hợp pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế vì lợi ích bền vững của chính đất nước, dân tộc chúng ta. Khi tất cả chúng ta cùng đoàn kết, quyết tâm thực hiện thì không có chuyện gì là không thể làm được!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN