Ðòi nợ bằng bạo lực: Vi phạm pháp luật !
Hiện nay, việc cho vay nợ khá đơn giản, thế nhưng, khi người vay không thể thanh toán, chuyện lại trở nên phức tạp. Nhiều chủ nợ dùng đủ mọi cách để lấy lại tiền của mình và những hành vi vi phạm pháp luật cũng xảy ra từ đây.
Quang cảnh một phiên tòa xét xử tội bắt giữ người trái pháp luật.
Đòi nợ bằng bạo lực
Một mạng người phải vĩnh viễn ra đi. Đó là hậu quả của một cuộc ẩu đả có nguyên nhân xuất phát từ việc đòi nợ. Đêm 23.2, sau khi nhậu với bạn bè, Phạm Duy Hưng (SN 1993, thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) điện thoại yêu cầu Lê Văn Cường (SN 1993, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) trả nợ và được Cường hẹn đến nhà. Hưng rủ Huỳnh Văn Vũ (SN 1985), Nguyễn Thanh Dương (SN 1989), Cù Minh Sang (SN 1999) và Nguyễn Hữu Thọ (SN 1998) đều ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát đến nhà Cường. Đến nơi, không nhận được tiền trả nợ như đã hẹn mà lại thấy Cường “chuồn” ra phía sau nhà để tránh trả nợ, Hưng cùng đồng bọn vây đánh Cường. Thấy vậy, người thân của Cường kêu la và can ngăn, nhưng cũng bị người trong nhóm của Hưng là Vũ tấn công. Bực tức, vì thấy người thân của mình bị đánh nên Cường chạy xuống bếp lấy rựa chém một nhát vào đầu Vũ, rồi dùng dao đâm nhiều nhát vào bụng khiến nạn nhân tử vong.
Trước đó, cơ quan Cảnh sát điều tra CA TP Quy Nhơn cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng Trần Thế Lộc (SN 1994) và Phạm Minh Viễn cùng đồng phạm về tội cưỡng đoạt tài sản và bắt giữ người trái pháp luật. Nguyên nhân của vụ việc cũng bắt nguồn từ việc nhóm của Lộc đã bắt giữ anh L.K.H. để đánh đập, ép buộc viết giấy nhận nợ 120 triệu đồng, là số tiền anh H. thua độ bóng đá trước đó. Hay như vụ Trần Nguyệt Hương (SN 1972, TP Quy Nhơn), Nguyễn Hữu Tân (SN 1992) và Trịnh Thị Mỹ Lệ (SN 1982, cùng Tuy Phước) cầm đầu cùng với 11 đối tượng khác thực hiện hành vi bắt giữ Tăng Thị Tám (SN 1980, Phù Cát) tại chợ Phú Tài vào trưa 24.1.2020 rồi đưa lên ô tô chở đi nhiều nơi, đe dọa buộc điện thoại cho người thân mang tiền đến trả nợ thay.
Thực trạng này cho thấy, việc cho vay và đòi nợ có xu hướng bạo lực đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến ANTT. Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, CA TP Quy Nhơn, phân tích: “Nguyên nhân dẫn đến nợ thời gian gần đây chủ yếu xuất phát từ việc cá độ bóng đá hay đánh bạc nhưng thua; hay vay mượn tiền để buôn bán, làm ăn rồi thua lỗ và thường là vay của các đối tượng cho vay nặng lãi. Để đòi nợ, các chủ nợ thường sử dụng nhiều người đến gây áp lực, uy hiếp con nợ và người thân để buộc trả nợ. Tuy nhiên, những hành vi đòi nợ kiểu bắt giữ người trái pháp luật, đánh đập, dọa nạt... là vi phạm pháp luật. Tùy vào mức độ, tính chất cụ thể của mỗi vụ việc mà các đối tượng này có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tương ứng với hành vi mình gây ra”.
Phải hành xử đúng luật
Qua các phiên tòa xét xử tội danh bắt giữ người trái pháp luật mà TAND các cấp xét xử thời gian gần đây cho thấy, các đối tượng tham gia đòi nợ kiểu bạo lực đều biết rõ hành vi của mình là sai trái, song họ vẫn làm vì phải “mạnh tay” mới hòng lấy được tiền. Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Đăng Hoàng (SN 1993, TP Quy Nhơn) cùng đồng bọn bắt giữ người trái pháp luật, do TAND TP Quy Nhơn xét xử mới đây, bị cáo Hoàng đã khai: “Tôi biết hành động của mình là sai, nhưng vì bực tức trước sự trốn nợ của con nợ nên mới hành xử như vậy. Mục đích chỉ muốn bị hại viết giấy nợ và đòi lại số tiền đã cho vay, chứ không có ý gì khác”.
Theo ngành chức năng, sở dĩ phát sinh hình thức đòi nợ trái pháp luật là do xuất phát từ nhận thức không đúng, thậm chí lệch lạc của các chủ nợ. Họ cho rằng, nếu trình báo các cơ quan pháp luật thì vụ việc kéo dài, mất thời gian; trong khi đó, dùng vũ lực để ép con nợ thì khả năng thu hồi nợ nhanh hơn.
Theo luật quy định, nếu người vay nợ không trả nợ đúng hạn, người cho vay có quyền khởi kiện đến tòa án để buộc trả lại tiền. Tuy nhiên, trên thực tế có không ít trường hợp, khi người vay không giữ đúng cam kết, thì người cho vay dùng bạo lực để đòi nợ. Vị đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử bị cáo Hoàng cùng đồng phạm khẳng định: Việc bắt giữ người trái pháp luật hòng gây sức ép trả nợ, hoặc xiết nợ là những hành vi vi phạm pháp luật. Những hành vi này có thể kéo theo cùng một lúc nhiều tội danh, như cướp tài sản hoặc cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, thậm chí nếu gây hậu quả nghiêm trọng là giết người.
Trung tá Dũng cho biết: Để đảm bảo ANTT, hạn chế tối đa loại tội phạm này, chúng tôi đã và đang chủ động giải quyết dứt điểm từng vụ việc cụ thể khi phát hiện. Từ đầu năm đến nay, TP Quy Nhơn đã truy xét, đấu tranh làm rõ 3 vụ bắt giữ người trái pháp luật.
K.ANH