Nâng tầm mai vàng Bình Ðịnh
Gần 1.000 cây mai mười tuổi, cao hơn 1,5 m được trồng trên hơn 5 km dải phân cách trên đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trổ hoa. Dịp Tết Canh Tý vừa qua, tuyến đường này đột nhiên trở thành điểm đến thu hút rất đông du khách từ nhiều địa phương đến với “đường mai Châu Đức” để … tự sướng. Để có hơn 5 km đường hoa như thế, từ 3 năm trước, chính quyền huyện Châu Đức đưa 250 cây hoa mai 10 tuổi từ vườn dân lên trồng thử ở dải phân cách cứng đường Hùng Vương.
Nhiều người đã nêu ý tưởng trồng mai vàng dọc con đường dẫn về điểm di tích Tiểu Chủng viện Làng Sông (Tuy Phước). Ảnh: PHẠM KHA
Chậm và hơi khác huyện Châu Đức một chút, đầu năm nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đồng ý chủ trương trồng cây mai vàng dọc tuyến phố đi bộ trong công viên trước Đại Nội Huế. Yêu cầu nhằm mục đích, đến mùa xuân, mai nở hoa sẽ đem lại cho tuyến phố một khung cảnh đậm sắc xuân xứ Huế. Trước đó, Trung tâm công viên cây xanh TP Huế đã cải tạo và trồng một vườn mai vàng ở khu vực trước Kinh thành Huế. Đây đã trở thành điểm check-in của người dân xứ Huế, đặc biệt là các bạn trẻ đến để ngắm hoa, chụp ảnh vào trước Tết Nguyên đán vừa rồi.
Xét về danh tiếng hoa mai, có lẽ hai địa phương kể trên khó lòng so sánh với Bình Định. Trước đây, tại di tích mộ Đào Tấn (xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước), để phục dựng lại tiếng thơm núi Huỳnh Mai, ngành Văn hóa và huyện Tuy Phước từng triển khai việc trồng mai vàng. Dự án không về đích nên núi Huỳnh Mai nay vẫn xanh ngắt màu bạch đàn, keo lá tràm. Ở Quy Nhơn, từng có đề xuất trồng hoa mai ở khu vực Bàu Sen nhân việc Chi hội Mai Xuân TP Quy Nhơn (Hội Sinh vật cảnh Bình Định) liên tục tổ chức thành công Hội mai xuân ở đây. Từng có ý kiến nên trồng mai vàng thành rừng ở xung quanh khu vực tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành; cũng từng có ý kiến đề xuất TP Quy Nhơn nên cho trồng nhiều cây mai vàng ở khu vực thảm cỏ dọc đường Nguyễn Tất Thành. Nhưng rồi thành phố đã chọn cây hoa ban - loài hoa đẹp, đặc trưng cho vùng Tây Bắc tổ quốc. Gần đây, lại có ý kiến nên trồng nhiều hoa mai vàng ở khuôn viên Trung tâm hội nghị quốc tế tỉnh - công trình này đang trong giai đoạn hoàn tất, ở dọc đường Hoàng Văn Thụ đoạn ven hồ Bàu Sen.
Ngay tại TP Quy Nhơn có rất nhiều đường phố, quảng trường, không gian công cộng có thể trồng mai vàng để vừa tạo điểm nhấn đặc trưng cho không gian đô thị, vừa tạo nét đặc sắc có thể thu hút du khách đến với Quy Nhơn - Bình Định để cảm nhận thế nào là “mai vàng Đất Võ”.
Trong trào lưu tôn vinh cây mai vàng Bình Định, nhiều người nêu ý tưởng trồng mai vàng tại khu vực kinh thành Hoàng Đế ở An Nhơn, trên những con đường dẫn về các điểm di tích: Nước Mặn, Tiểu Chủng viện Làng Sông, đồi Thi Nhân - Ghềnh Ráng… những điểm du lịch nổi tiếng mà nếu kết hợp với danh tiếng mai vàng Bình Định sẽ tạo thành một sức hút vô cùng hấp dẫn với du khách mỗi khi Tết đến xuân về.
Nhưng đáng tiếc đến nay, ở tỉnh ta vẫn thiếu những điểm nhấn hoặc dự án có thể tạo điểm nhấn, ngõ hầu phát huy giá trị danh tiếng của hoa mai vàng Bình Định. Hy vọng chúng ta sẽ sớm tính toán lại việc này.
BÁ PHÙNG