Xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp: Cần đồng bộ, quyết liệt hơn!
Ðây là yêu cầu cần thiết mà các cấp, các ngành liên quan và chính quyền các địa phương phải thực hiện, nhằm giải quyết rốt ráo các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp đang xảy ra ở nhiều nơi trong tỉnh.
HLATLĐ tại Trạm biến áp Quy Nhơn 2 và đường dây 110 kV qua tổ 7, KV1, phường Quang Trung (TP Quy Nhơn) đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Vi phạm dai dẳng
Đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 25 vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) cao áp; trong đó, có vụ xảy ra nhiều năm trước và kéo dài cho đến hiện tại. Dai dẳng và nguy hiểm nhất phải kể đến HLATLĐ tại Trạm biến áp Quy Nhơn 2 (2x40MVA) và đường dây 110 kV khoảng cột 57 - 58 (từ đỉnh núi Bà Hỏa đến khu vực trạm thuộc phường Quang Trung, TP Quy Nhơn). Hành lang tuyến điện này đang bị 12 hộ dân ở địa phương ngang nhiên lấn chiếm trồng cây cối, xây dựng công trình phụ, nhà tạm, lều quán kinh doanh ăn uống... gây mất an toàn cho công tác quản lý vận hành lưới điện; tiềm ẩn nguy cơ phóng điện, đe dọa nguy hiểm đến tính mạng của người dân.
Năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 302 vụ vi phạm HLATLÐ cao áp gây sự cố. Các vụ vi phạm chủ yếu là do các đơn vị thi công và người dân trong khi thi công các công trình đã sử dụng ô tô, cần cẩu, máy xúc đất, xây dựng, sửa chữa nhà cửa, lắp đặt cáp viễn thông, biển quảng cáo, trồng cây cối trong và ngoài HLATLÐ,… vi phạm khoảng cách an toàn hoặc trực tiếp va quẹt vào đường dây.
Ông Đào Duy Hoàng Khôi, Đội trưởng Đội quản lý, vận hành lưới điện cao thế thuộc Công ty Điện lực Bình Định, cho hay: “Toàn bộ khu đất nằm dưới HLATLĐ đường dây 110 kV kể trên đã được UBND tỉnh giao cho Công ty Điện lực Bình Định quản lý vào năm 1994. Thế nhưng, các hộ dân đã lấn chiếm rồi tự ý xây dựng công trình, trồng cây cối trên đất. Từ năm 2014 đến nay, Công ty Điện lực Bình Định phối hợp với UBND phường Quang Trung và các sở, ngành liên quan nhiều lần giải thích, vận động người dân vi phạm di dời, tháo dỡ hoàn trả lại mặt bằng HLATLĐ, nhưng các hộ dân vẫn không chấp hành”.
Để giải quyết thực trạng này, tháng 6.2019, UBND TP Quy Nhơn đã ban hành quyết định cưỡng chế các trường hợp vi phạm. Thế nhưng, đến nay đã 8 tháng trôi qua, song UBND phường Quang Trung vẫn chưa có kế hoạch triển khai. Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Tuấn, công chức địa chính, xây dựng, đô thị và môi trường UBND phường Quang Trung, cho rằng: “Do công việc quá nhiều, nên địa phương chưa sắp xếp được thời gian, trong khi đây là nơi khá “nhạy cảm” về ANTT. Hiện nay, phường đang lên kế hoạch để thực hiện việc ra quân cưỡng chế, dự kiến trong tháng 3.2020 sẽ giải quyết việc này”.
Cần phối hợp, xử lý quyết liệt hơn
Được biết thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Tổng công ty Điện lực miền Trung và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Điện lực Bình Định đã phối hợp với Sở Công Thương và cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm, đảm bảo hệ thống lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh vận hành an toàn, cung ứng điện ổn định phục vụ nhiệm vụ chính trị, sản xuất, đời sống của nhân dân.
Tuy nhiên, hành vi xâm phạm tới HLATLĐ vẫn còn diễn ra ở một số nơi. Nguyên nhân là do thiếu sự phối hợp giữa các ngành, địa phương, nhất là trong công tác kiểm tra, xử lý ban đầu. Nhiều trường hợp khi lập quy hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng, đơn vị chức năng không khảo sát kỹ thực địa, không tính đến sự tồn tại trước đó của đường điện...
Để đảm bảo hoạt động an toàn, chấm dứt tình trạng vi phạm HLATLĐ trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Công ty Điện lực Bình Định sẽ tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về đảm bảo an toàn hệ thống điện. Đi đôi với công tác này, ông Đào Duy Hoàng Khôi kiến nghị: “Chính quyền địa phương phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đã được ngành điện phát hiện lập biên bản. Các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng cần quyết liệt ngăn chặn ngay từ đầu các trường hợp xây dựng công trình, trồng cây trong HLATLĐ”.
TRỌNG LỢI