Thả rông gia súc trên đường bộ, hiểm họa khó lường
Đường ĐT639 (Cát Tiến, Phù Cát - Hoài Nhơn) là tuyến đường giao thông huyết mạch nối giữa các xã vùng Đông Bắc huyện Phù Cát nên lưu lượng người tham gia giao thông khá lớn.
Đàn bò đi nghênh ngang trên đường ĐT639, đoạn đi qua thôn Tân Thanh, xã Cát Hải, huyện Phù Cát.
Tuy nhiên lâu nay, nhiều người đi trên đường này (đoạn đi qua thôn Tân Thanh, xã Cát Hải) luôn bất an khi thường xuyên gặp nhiều đàn bò chừng 5 - 10 con/đàn đi nghênh ngang trên đường, gây cản trở giao thông. Đặc biệt ban đêm nhiều con bò nằm ngay giữa lòng đường. Nếu không chú ý quan sát, các “chướng ngại vật” di động này là mối nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện giao thông trên đường.
Để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần yêu cầu các hộ chăn nuôi ý thức hơn trong việc quản lý vật nuôi; không chăn, thả trâu, bò trên đường giao thông. Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân việc chăn nuôi thả rông gia súc trên đường giao thông, gây nguy hiểm cho người và các loại phương tiện là hành vi vi phạm pháp luật.
Tại điểm C, khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ quy định không được thả rông súc vật trên đường bộ. Với hành vi chăn thả súc vật trên đường gây nguy hiểm đến tính mạng người khác, chủ sở hữu trâu, bò có thể bị xử phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng theo khoản 2, Điều 10 Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Với việc không quản lý trâu, bò dẫn đến gây tai nạn cho người đi đường, chủ sở hữu trâu, bò đó phải thực hiện việc bồi thường theo khoản 1, Điều 603 Bộ luật Dân sự. Các chi phí bồi thường được quy định tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8.7.2006 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Đặc biệt, trong một số trường hợp, nếu chủ sở hữu gia súc vẫn tiếp tục chăn thả gia súc trên đường giao thông dẫn đến tai nạn chết người thì có thể bị khởi tố về tội “vô ý làm chết người” của Bộ luật Hình sự.
VĂN THÝ