Ðừng chủ quan với sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút Dengue gây nên, có thể gây thành dịch. Bệnh do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hiện SXH vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa hiệu quả, cũng chưa có bất cứ loại thuốc hay phương pháp điều trị nào đặc hiệu, nên việc điều trị chủ yếu là theo dõi và chăm sóc, hỗ trợ các chức năng cần thiết cho cơ thể.
Bệnh SXH thường khởi phát một cách rất đột ngột và tiến triển nhanh qua 3 giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn sốt, trong 1 hoặc 2 ngày đầu, người bệnh bị sốt cao một cách đột ngột. Trong giai đoạn này, các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt vi rút thông thường khác. Ở giai đoạn 2, từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi sốt, là giai đoạn rất nguy hiểm, với các triệu chứng nặng của bệnh bắt đầu được nhận thấy. Người bệnh đã hạ sốt nhưng lại xuất hiện những hiện tượng như xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng... Những biến chứng nặng hơn, người bệnh có thể bị chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng, xuất huyết tiêu hóa hoặc nghiêm trọng hơn là xuất huyết não. Đến lúc này, người bệnh cần được theo dõi sát sao và xét nghiệm tiểu cầu thường xuyên. Nếu được điều trị tốt thì đến giai đoạn 3, người bệnh bắt đầu hồi phục, huyết động dần ổn định, đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường.
Bác sĩ Phạm Châu Duy, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh, cho biết: “Khi nghi ngờ mắc SXH cần phải đưa người bệnh đi xét nghiệm để xác định bệnh sớm và có hướng điều trị kịp thời. Đặc biệt, không nên tự ý dùng kháng sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ngoài ra, người bệnh cũng không nên truyền dịch tại nhà, phòng ngừa biến chứng có thể dẫn đến sốc phản vệ và tử vong. Để người bệnh nằm chỗ thoáng mát, không nên mặc quần áo chật và lau mát bằng nước ấm. Cho người bệnh uống đủ nước, ăn thức ăn lỏng, nấu chín mềm, chia nhiều bữa nhỏ...”.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)