Ðối thoại để đồng thuận
Thời gian qua, huyện Tây Sơn đã chủ động tổ chức các cuộc đối thoại với nhân dân để nắm bắt và giải quyết kịp thời những ý kiến, nguyện vọng của bà con. Hoạt động này đã thực sự trở thành “nhịp cầu” nối ý Ðảng với lòng dân.
Tại xã Tây Giang và Tây Thuận, giữa người dân địa phương và Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn những năm qua đã xảy ra tình trạng tranh chấp đất lâm nghiệp, kéo theo nhiều hệ lụy về ANTT tại địa phương. Trước thực trạng đó, lãnh đạo huyện đã tổ chức đối thoại trực tiếp và phân tích cho người dân hiểu rõ việc họ lấn chiếm, canh tác trên đất đã được UBND tỉnh giao quyền cho Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn là trái với quy định của pháp luật.
Lãnh đạo huyện Tây Sơn đối thoại với người dân xã Tây Giang và Tây Thuận vào tháng 10.2019.
Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Đỗ Văn Sỹ cho biết: “Trong các cuộc đối thoại, chúng tôi tập trung phân tích, việc khiếu nại của người dân hai xã Tây Giang và Tây Thuận với DN là không có cơ sở để xử lý. Và việc giải quyết của chính quyền các cấp trong tỉnh là hợp tình, hợp lý nên đề nghị người dân nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật”.
“Ba mặt một lời”, tất cả những khúc mắc đã được chỉ ra cụ thể, giải thích rõ ràng và đi đến kết luận cuối cùng. Sau buổi đối thoại, nhiều người dân địa phương đã tự nguyện giao lại diện tích đất mà mình lấn chiếm cho Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn thực hiện nhiệm vụ trồng rừng.
Đáng nói, cũng tại buổi đối thoại, người dân xã Tây Thuận phản ánh hoạt động khai thác khoáng sản trên sông Côn của một DN vượt phạm vi được cấp phép, có nguy cơ gây sạt lở bờ sông. Ghi nhận ý kiến của người dân, sau đó các ngành chức năng của huyện Tây Sơn đã kiểm tra thực tế và phạt hành chính 15 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản (cát xây dựng) thời hạn 45 ngày đối với DN trên vì khai thác cát vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép.
Tại xã Bình Nghi, từ tháng 7 đến 9.2019, huyện Tây Sơn đã tổ chức 3 buổi đối thoại với người dân thôn 4 về Dự án trang trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH New Hope Bình Định triển khai tại địa phương. Mục đích chính của các buổi đối thoại này là để thông tin cụ thể hơn về dự án đến người dân, nhằm đi đến đồng thuận. Dẫu còn một số ý kiến chưa nhất trí, nhưng hầu hết bà con đều cảm thấy nhẹ lòng hơn khi những bức xúc của họ đã được lãnh đạo huyện lắng nghe và trả lời trực tiếp.
Người dân xã Bình Nghi nêu kiến nghị tại buổi đối thoại với lãnh đạo huyện.
Tương tự tại các địa phương khác, cũng với cách làm như trên, lãnh đạo huyện Tây Sơn đã tiếp thu, giải trình, đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng, chính quyền các cấp trên địa bàn tập trung giải quyết thấu đáo các kiến nghị của người dân. Ông Nguyễn Văn Nam (48 tuổi, ở xã Tây Giang) chia sẻ: “Ở diễn đàn này, chúng tôi được thẳng thắn bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình về những vấn đề của địa phương. Và hơn hết, chúng tôi còn cảm thấy phấn chấn khi tâm tư, nguyện vọng của mình đã được chính quyền lắng nghe, giải đáp thấu đáo”.
Bí thư Huyện ủy Tây Sơn Lê Bình Thanh khẳng định: “Hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn coi tiếp xúc, đối thoại với nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Bởi đây là một phương pháp hữu hiệu để người lãnh đạo gần dân, sát dân, thiết lập cơ chế thông tin hai chiều tin cậy và cởi mở. Từ đó, người lãnh đạo hiểu được vấn đề người dân quan tâm nhằm có giải pháp giải quyết thấu đáo, và quan trọng hơn là góp phần củng cố lòng tin của người dân vào bộ máy chính quyền”.
HỒNG PHÚC