Phù Mỹ chủ động phòng chống hạn
Trước nguy cơ xảy ra hạn hán trong vụ sản xuất Hè Thu, chính quyền và ngành chức năng, cùng nông dân huyện Phù Mỹ đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống hạn.
Thời tiết khô hanh kéo dài khiến nước ở hồ thủy lợi Đập Phố (xã Mỹ Hiệp) giảm mạnh và 20 ha canh tác vụ Đông Xuân (ĐX) ở thôn Hòa Nghĩa, xã Mỹ Hiệp bị thiếu nước tưới. Để cứu diện tích cây trồng này, huyện Phù Mỹ buộc phải điều tiết nước từ hồ Hội Khánh (xã Mỹ Hòa) sang.
Hồ chứa nước An Tường, xã Mỹ Lợi đã khô cạn.
Nhiều nông dân ở các xã Mỹ Lợi, Mỹ Châu… đã phải đóng giếng khoan lấy nước ngầm tưới cho lúa. Đặt mô tơ bơm nước ở góc ruộng, ông Trần Thanh Đấu, xã Mỹ Châu, chia sẻ: 4 sào lúa của gia đình tôi ăn nước hồ Vạn Định, nhưng nghe thông tin nước hồ đang giảm rất nhanh, sợ không đảm bảo nước tưới, nên tôi đã thuê người đóng giếng để lấy nước vừa tưới cho lúa ĐX vừa sẵn sàng cho vụ Hè Thu (HT).
Khi chúng tôi đến làm việc, gần như tất cả các phòng, ban ở huyện Phù Mỹ cho đến chính quyền các xã đều khẩn trương với công tác chống hạn. Ông Trần Minh Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, cho biết: Phối hợp với chính quyền các địa phương, chúng tôi tích cực hướng dẫn nông dân tiết kiệm nước tưới ngay trong vụ ĐX. Dù vậy, do một thời gian dài không có mưa, nên các hồ thủy lợi tích được rất ít nước. Hiện 45 hồ chứa trên địa bàn huyện chỉ còn 25,7 triệu m3, đạt 59,3% so với tổng dung tích thiết kế, trong đó hồ Núi Miếu và hồ An Tường (xã Mỹ Lợi) đã khô cạn. Dự báo sau vụ ĐX, toàn bộ các hồ đập trên địa bàn chỉ còn khoảng 19 triệu m3, nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới trong vụ HT là rất rõ ràng, vấn đề là mức độ thế nào thôi. Huyện đã sẵn sàng nhiều kịch bản khác nhau để linh hoạt thay đổi kế hoạch sản xuất vụ HT.
Để ứng phó với hạn hán, huyện Phù Mỹ đã định hướng sản xuất vụ HT theo hướng giảm diện tích lúa, tăng diện tích cây trồng cạn, cụ thể là sản xuất 4.500 ha lúa, giảm 1.313 ha so với vụ HT năm ngoái; chuyển 650 ha đất lúa không đảm bảo nước tưới sang trồng ớt, bắp, đậu phụng và các loại rau màu; nâng diện tích cây trồng cạn vụ này lên 2.300 ha.
UBND huyện Phù Mỹ cũng đã chỉ đạo cho ngành chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát, xác định chi tiết vùng chủ động nước tưới, vùng thiếu nước tưới theo các mức độ khác nhau, trên cơ sở đó xây dựng và chỉ đạo kế hoạch sản xuất, lịch tưới phù hợp. Những vùng sản xuất lúa, nhưng thường xuyên bị thiếu nhiều đợt tưới thì chuyển đổi sang các loại cây trồng cạn hoặc không sản xuất vì chi phí chống hạn còn cao hơn nhiều so với trị giá lượng thóc thu được.
Ông Trần Thanh Đấu (xã Mỹ Châu) đã đóng giếng lấy nước ngầm tưới cho lúa vụ ĐX và vụ HT sắp tới.
Đối với chân đất sản xuất 3 vụ lúa/năm, chủ động được nước tưới, huyện chỉ đạo thu hoạch lúa ĐX đến đâu, vận động nông dân cải tạo ruộng đồng sản xuất lúa vụ Hè đến đó, phấn đấu đến đầu tháng 4 hoàn thành việc gieo sạ lúa, nhằm rút ngắn thời gian bị nắng nóng, tiêu hao nhiều nước tưới. Chân đất sản xuất 2 vụ lúa/năm (vụ Thu) gieo sạ từ ngày 5 - 25.5, yêu cầu nông dân sử dụng các loại giống ngắn ngày và đầu tư thâm canh để cây trồng đạt năng suất cao.
650 ha đất sản lúa được bố trí chuyển sang cây trồng cạn sẽ thực hiện tại các xã: Mỹ Trinh, Mỹ Hiệp, Mỹ Châu, Mỹ Lộc, Mỹ Thọ, Mỹ Quang… Ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết: Huyện đã thành lập các tổ công tác đi kiểm tra các vùng đưa vào kế hoạch sản xuất lúa và cây trồng cạn, thông báo về lượng nước hiện có, dự báo nguy cơ xảy ra hạn hán cho người dân biết để chủ động sản xuất và tham gia công tác phòng chống hạn. Bên cạnh đó, chỉ đạo UBND các xã tiến hành nạo vét các kênh dẫn của các trạm bơm, vét các ao mạch, khoan, đào giếng, tận dụng mạch nước ngầm phục vụ cho công tác phòng chống hạn. Các địa phương tăng cường công tác quản lý nguồn nước, không để nước từ các công trình thủy lợi bị thất thoát; củng cố tổ đội thủy nông, kiểm tra các trạm bơm nước và xây dựng lịch tưới, phương pháp tưới tiết kiệm nước. Định kỳ thứ 3 hàng tuần, ngành chức năng và UBND các xã, thị trấn phải báo cáo cụ thể về lượng nước tại các công trình thủy lợi, hoạt động điều tiết nước sản xuất, nước sinh hoạt và kết quả công tác phòng chống hạn hán để UBND huyện chỉ đạo kịp thời.
PHẠM TIẾN SỸ