Thủ tướng: Triển khai ngay 2 gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân
Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều 3.3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngay ngày 4.3 sẽ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng về các giải pháp cấp bách thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phòng chống Covid-19 và đảm bảo an sinh xã hội.
Thủ tướng hoan nghênh các thành viên Chính phủ đóng góp vào Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về giải pháp cấp bách thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phòng chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng tập hợp các ý kiến, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành chỉ thị ngay trong ngày 4.3.
Thủ tướng: Triển khai ngay 2 gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.
"Tinh thần chung là phải giao các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các địa chỉ cụ thể để triển khai thực hiện ngay, không nói chung chung, không nói lòng vòng. Đặc biệt là tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, trước hết cho du lịch, thương mại, dịch vụ, hàng không, xuất nhập khẩu những ngành này chịu tác động rất lớn. Hỗ trợ cho đối tượng bị thiệt hại do Covid-19 gây ra, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại, không phải là bao cấp cho sự yếu kém. Một gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ lãi suất thấp. Một gói hỗ trợ từ tài khóa như hoãn, giãn về tài chính ít nhất gần 30.000 tỷ. Chúng ta chưa gọi đây là gói kích thích kinh tế. Tinh thần là có hiệu lực ngay để hỗ trợ đến doanh nghiệp và người dân. Cấm tư tưởng xin, cho, không minh bạch", Thủ tướng nhấn mạnh.
Hoan nghênh tất cả các địa phương đều nỗ lực thực hiện các mục tiêu năm nay, Thủ tướng cũng yêu cầu các thành phố lớn trực thuộc Trung ương, các vùng kinh tế trọng điểm phải vươn lên mạnh mẽ, đóng góp vào thực hiện các nhiệm vụ đề ra, nhất là có giải pháp mạnh mẽ tháo gỡ cho sản xuất.
Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để ổn định vĩ mô. Đây là cơ sở then chốt để thực hiện các nhiệm vụ khác. Cùng với đó là chưa đặt ra việc nới lỏng chính sách tiền tệ hay đưa ra các gói kích thích kinh tế. Tuy vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đưa ra các kịch bản, đối sách đối với Covid-19 và tình hình thế giới để không bị động, bất ngờ.
Đối với chính sách tiền tệ, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước ổn định lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối, cung ứng tín dụng đầy đủ, kịp thời cho sản xuất kinh doanh. Các ngân hàng thương mại cần chia sẻ với khó khăn của người dân và doanh nghiệp, giảm lãi suất để các doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất.
Đối với chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính: "Về tài chính ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cùng các bộ ngành rà soát khẩn trương đề xuất miễn, giảm, giãn, hoãn chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội. Nhất là quan tâm các ngành, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của Covid-19. Tôi thấy Tổng Giám đốc doanh nghiệp ACV phát biểu trên Đài là “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, đậu xe sân bay 10 phút thì không phải lấy tiền, Thành phố Hồ Chí Minh đã vận dụng cơ chế này. Phải có giải pháp cụ thể như thế. Còn chúng ta cứ bài cũ chép lại thì không bao giờ thành công cả, trong lúc khó khăn này. Tôi theo dõi hội nghị với các tập đoàn, tổng công ty, họ nêu rất nhiều khó khăn mà chúng ta không lường được. Ngành tài chính cần nhìn nhận vấn đề này một cách quyết liệt hơn để đề xuất Chính phủ sự hỗ trợ này".
Đối với hoạt động đầu tư, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tập trung thực hiện các công trình trọng điểm, nhất là giao thông vận tải, công thương; tập trung giải ngân các dự án dùng vốn ODA.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị hội nghị giải ngân vốn đầu tư công toàn quốc để đưa ra giải pháp thúc đẩy giải ngân. Đây là giải pháp rất có ý nghĩa để thúc đẩy tổng cầu, tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó là tạo điều kiện thúc đẩy dự án đầu tư tư nhân và dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
Cho rằng còn tình trạng quan liêu, xa rời cuộc sống, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện cho sản xuất kinh doanh.
Trước thực tế giá thịt lợn khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát triển đàn lợn để nguồn cung dồi dào và giảm giá thịt lợn.
Thủ tướng cũng chỉ đạo không tăng giá điện và các dịch vụ công thời gian tới; kiểm soát xử lý tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý nghiêm găm hàng, nâng giá.
Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan truyền thông phải phát huy vai trò, tạo sự đồng thuận trong xã hội, cùng nhau chia sẻ khó khăn để cùng thực hiện nhiệm vụ chung trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Theo Vũ Dũng (VOV)