Lũ làm sập cầu treo Đăk Miên và cầu treo O5 ở xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh:
Đời sống của người dân bị đảo lộn
Sau trận lũ lịch sử giữa tháng 11 vừa qua, 2 cầu treo Đăk Miên và cầu treo O5 bị sập. Các thôn O2, O3, O5 và Kon Trú (xã Vĩnh Kim) bị cô lập. Từ ngày cầu bị sập, việc đi lại, giao thương của người dân gặp vô vàn khó khăn và nguy hiểm.
Cuộc sống của gần 200 hộ dân ở các thôn O5, O3 và Kon Trú sau lũ đã bị đảo lộn hoàn toàn. Người dân ở các làng K6, K7 (phía Tây trung tâm xã) vào các thôn, bản phía Đông của xã để làm ruộng rẫy và thu mua nông sản đều gặp khó khăn. Ngược lại, người dân các thôn phía Đông muốn đến trung tâm xã để làm việc, đi chợ, học hành cũng rất bất tiện, đình đốn. Hiện tại, để qua lại, thông thương giữa các khu vực này người dân nơi đây phải nhờ vào chiếc bè dây do UBND xã vận động bà con cùng thực hiện.
Việc đi lại, giao thương của người dân ở các thôn xã Vĩnh Kim gặp nhiều khó khăn do cầu treo O5 bị sập.
Trưa 27.11, có mặt tại cầu treo O5, chứng kiến cảnh tiếng người lớn, trẻ con trong thôn í ới gọi nhau lên chiếc bè nứa dài chừng 4m, rộng 2,5m, được nối với dây thừng lớn giăng qua giữa sông để qua sông. Nhìn chiếc bè bị cuốn mạnh giữa dòng nước xoáy, người lái bè gồng mình nắm chắc sợi dây nối rồi dùng sức kéo, đưa bè qua sông (rộng khoảng 50 m, chỗ sâu nhất hơn 2 m) giữa dòng nước dữ khiến chúng tôi phải “lạnh” mình. Theo lãnh đạo xã, việc bà con qua sông bằng bè dây tiềm ẩn nhiều rủi ro về nguy cơ mất an toàn, nhất là mỗi hôm nước từ thượng nguồn đổ về nhiều, chảy xiết nhưng muốn qua sông hiện không còn cách nào khả dĩ hơn.
Thầy Đào Văn Kỳ, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Vĩnh Kim, cho biết: “Từ ngày cầu treo O5 bị sập, việc đi lại của thầy cô, học trò gặp nhiều khó khăn. Hôm nào xảy ra mưa lớn, nước từ đầu nguồn xuống mạnh không dám kéo bè, các em học ở các điểm thôn O5, Kon Trú sẽ được ở lại trường; kể cả thầy cô công tác tại các điểm trường nói trên cũng đều phải ở lại, có khi bị động về ăn, ở, sinh hoạt”.
Ông Lê Công Chính - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, cho biết: “UBND xã đã hỗ trợ tiền mua nguyên liệu làm bè và chọn người vừa đảm bảo sức khoẻ, vừa có tinh thần trách nhiệm để kéo bè và trả 200 ngàn đồng/ngày. Khi nào việc khắc phục cầu treo O5 hoàn thành, việc đi lại lao động sản xuất, mua bán của người dân và đến trường của thầy trò tại O5 và Kon Trú sẽ thuận lợi hơn”. Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù chính quyền có trang bị áo phao cứu hộ, nhưng lại bỏ trên bờ; những người đi bè và kéo bè quá chủ quan nên không sử dụng đến, sẽ rất nguy hiểm khi gặp sự cố.
Tại một vị trí khác, cầu treo Đăk Miên bị sập, 44 hộ với gần 200 nhân khẩu ở thôn O2 như biệt lập hoàn toàn với bên ngoài. “Hiện nay, tuyến đường lên thôn này đang bị đất đá vùi lấp, nên việc tiếp cận để khắc phục sự cố sập cầu Đăk Miên rất khó khăn. Trước mắt, để tạo điều kiện cho bà con thôn O2 lưu thông tuyến đường từ thôn đến xã, địa phương vận động nhân dân phát dọn và sử dụng lại đường cũ. Việc đi lại cũng vô cùng khó khăn, từ trung tâm UBND xã đến thôn O2 phải mất khoảng 4 giờ đồng hồ; bởi phải đi bộ hơn 5 km đường núi vừa dốc, vừa trơn trượt”, ông Đinh Mun - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, cho biết thêm.
Những cố gắng của chính quyền địa phương là rất đáng ghi nhận, nhưng chỉ là giải pháp tình thế. Nếu cầu Đăk Miên hư hỏng kéo dài thì đời sống của người dân thôn O2 và các thôn bản lân cận vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn; việc đi lại bằng bè kéo tại điểm cầu treo O5 đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm trên sông suối. Vì vậy việc khắc phục, sửa chữa lại 2 cầu treo này là mong ước lớn nhất hiện nay của người dân nơi đây.
Bài, ảnh: TRỌNG LỢI