Cảnh báo tình trạng chó thả rông cắn chết người
Nạn chó thả rông luôn gây bất an đối với mọi người. Vấn đề càng trở nên “nóng” hơn khi trên địa bàn huyện Tuy Phước liên tục xảy ra tình trạng người dân bị chó cắn và mới đây nhất đã có một trường hợp bị tử vong. Mọi người cần nâng cao ý thức phòng ngừa, không nên chủ quan, lơ là.
Một trường hợp đến tiêm vắc xin ngừa dại tại Khoa kiểm soát bệnh tật TTYT huyện Tuy Phước vào chiều 3.3.
Từ sự việc đau lòng
Chiều 29.2, gia đình, người thân và bà con làng xóm thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước) đã đến gia đình để tiễn đưa em B.T.N.Y. (16 tuổi, học sinh lớp 10), về nơi an nghỉ cuối cùng. Thầy cô giáo, bạn học cùng lớp, cùng trường cũng đến tiễn bạn, trên những khuôn mặt còn non nớt các em hiện lên vẻ ngỡ ngàng, đau thương trước sự ra đi đột ngột của em Y.
Ông Lê Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã Phước Nghĩa, cho biết: Vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vừa qua, một con chó lạ bất ngờ chạy vào nhà và cắn vào người em Y. Chủ quan do nghĩ chỉ là vết cắn nhỏ nên gia đình đã không đưa em Y. đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Đến sáng 27.2, gia đình thấy em Y. có những biểu hiện bất thường, như: Sợ nước, sợ ánh sáng, bò trên nền nhà và la hú… nên đã đưa em Y. đến TTYT huyện Tuy Phước cấp cứu. Nhận thấy Y. có triệu chứng của bệnh dại nên TTYT huyện liền chuyển em lên bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, do bệnh tình quá nặng nên đến 20 giờ cùng ngày em Y. đã tử vong.
Theo số liệu của Khoa kiểm soát bệnh tật TTYT huyện Tuy Phước, trong năm 2019, tại khoa này đã có hơn 1.150 bệnh nhân đến tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh dại sau khi bị chó, mèo cắn và trong 2 tháng đầu năm 2020 số người đến tiêm loại vắc xin này là 172 lượt.
Sự việc đau lòng từ nạn chó thả rông cắn người gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần tăng cường các biện pháp mạnh để phòng, ngừa việc chó nhà tấn công người dân.
Cần nâng cao ý thức phòng ngừa, không chủ quan
Cho đến nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc chữa trị. Bệnh dại do vi rút dại cổ điển gần như gây tử vong 100% trên người. Người bệnh dại tử vong chỉ sau vài ngày có triệu chứng đầu tiên. Điều duy nhất con người có thể làm để thoát khỏi bệnh dại chính là tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh dại ngay sau khi bị động vật cắn, cào xước, tiếp xúc qua vết thương hở từ súc vật… Các trường hợp bệnh nhân tử vong vì bệnh dại thường do chủ quan, không đi tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cắn…
Ông Trần Duy Ngọc, Trưởng khoa kiểm soát bệnh tật TTYT huyện Tuy Phước, chia sẻ: Thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay là điều kiện thuận lợi để vi rút gây bệnh dại trên chó, mèo. Vì vậy, người dân cần chủ động phòng chống bệnh dại trên người và động vật bằng cách thực hiện các biện pháp sau: Đối với người bị chó, mèo cắn, cần nhanh chóng rửa sạch vết cắn trong 3 lần, mỗi lần 5 phút dưới vòi nước sạch với xà phòng, hoặc rửa nước sạch rồi sau đó sát khuẩn bằng cồn để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Người dân có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như: Rượu, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị chó, mèo cắn. Người dân cần tránh làm giập nát thêm vết thương, không được nặn máu và không nên dùng mẹo dân gian như liếc dao, đắp ớt hay đi bắt lông... Điều quan trọng, sau khi bị chó, mèo cắn, cần tiêm phòng vắc xin ngừa dại càng sớm càng tốt, tiêm đủ 5 mũi trong vòng 28 ngày.
Còn đối với chó, mèo cần phải tiêm phòng bệnh dại định kỳ hằng năm; phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không thả rông chó ngoài đường; khi dắt chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm, chú ý không để chó cắn người. Nếu chó, mèo có dấu hiệu của bệnh dại như: Hay bị kích thích mạnh, cắn sủa người lạ dữ dội, bỏ ăn, nuốt khó, sốt, mắt đỏ ngầu, giãn đồng tử, chảy nước dãi, sùi bọt mép… cần báo ngay với cơ quan thú y gần nhất. Chó, mèo chết do mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại phải đem chôn đúng nơi quy định hoặc đốt xác.
XUÂN VINH