Kiểm soát chặt người đến và đi từ vùng có dịch
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh kiểm tra, rà soát, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh từ vùng có dịch Covid-19. Ðồng thời, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để có biện pháp xử lý theo quy định.
Ngành chức năng kiểm tra, nắm bắt tình hình lao động là người nước ngoài tại DN ở Khu công nghiệp Long Mỹ (TP Quy Nhơn).
Kịp thời giám sát, cách ly
Thông tin về trường hợp chị T.M.A. (SN 1997, tại xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn) trở về địa phương sau 3 năm làm việc tại Nhật Bản được người nhà của chị báo kịp thời cho UBND xã và trạm y tế. Sáng 3.3, ngay khi chị T.M.A. về đến Nhơn Hải, bác sĩ Hồ Nguyên Tứ - Trưởng trạm y tế xã Nhơn Hải, cùng CA viên của xã đến tận nhà nắm thông tin lịch trình, kiểm tra sức khỏe và ra quyết định tự cách ly y tế 14 ngày tại nhà đối với chị A. Quyết định tự cách ly y tế cũng nêu rõ, trường hợp không tuân thủ quy trình cách ly tại nhà theo hướng dẫn của y tế, UBND xã sẽ báo cáo Sở Y tế ra quyết định cưỡng chế cách ly y tế tập trung của tỉnh. “Quyết định cách ly được thực hiện trong 3 tiếng đồng hồ khi cá nhân đó trở về địa phương. Trong thời gian này, trạm y tế tiến hành theo dõi sức khỏe 2 lần/ngày cho trường hợp được cách ly”, bác sĩ Tứ cho hay.
Chị T.M.A. cho biết chị làm việc tại địa phương không có dịch Covid-19 của Nhật Bản. Trước khi đáp chuyến bay về sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), chị đã trải qua kiểm tra sức khỏe của nước sở tại; về đến Việt Nam tiếp tục được kiểm tra sức khỏe và làm tờ khai y tế ngay tại sân bay. Chị ý thức rõ dịch bệnh Covid-19, nên từ thời điểm ở sân bay Tân Sơn Nhất về đến xã đều đeo khẩu trang, không ra khỏi nhà.
Đến ngày 3.3, chị T.M.A. là trường hợp thứ 6 tại xã Nhơn Hải trở về từ các nước có dịch Covid-19 áp dụng quy định tự cách ly tại nhà trong 14 ngày. Theo Chủ tịch UBND xã Lê Công Trình, Nhơn Hải là địa bàn “nóng” của Quy Nhơn về số người lao động và du học sinh ở Hàn Quốc (112 người), Nhật Bản (107 người). “Thông tin từ người dân báo cho chính quyền địa phương về trường hợp người lao động, du học sinh trở về từ các nước có dịch Covid-19 rất kịp thời. Sáng 2.3, xã tiếp tục phân công các trưởng thôn, CA viên, Mặt trận thôn đến từng nhà nằm trong danh sách có người lao động, du học sinh ở các nước nắm tình hình cụ thể hơn, rà soát lại những trường hợp lợi dụng hộ chiếu du lịch để ở lại làm việc “chui”. Đồng thời tuyên truyền cho gia đình thông báo cho người nhà ở các nước chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch Covid-19 của nước sở tại và tránh di chuyển”, ông Trình cho hay.
Theo Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 của TP Quy Nhơn, đến chiều 3.3, có 6 phường, xã báo cáo về số dân đi lao động và học tập nước ngoài, trong đó có 117 trường hợp tại Hàn Quốc, 149 trường hợp tại Nhật Bản. Từ 26.2 - 3.3, có 14 trường hợp từ Hàn Quốc trở về địa phương, 1 trường hợp từ Italia. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn yêu cầu lãnh đạo các xã, phường tiếp tục điều tra, rà soát người lao động, du học sinh của địa phương hiện đang ở các nước, không riêng Hàn Quốc, Nhật Bản. Đặc biệt, phải nắm chắc số lao động lợi dụng hộ chiếu du lịch rồi trốn ở lại làm “chui” để có biện pháp quản lý, phòng chống dịch kịp thời.
Trạm y tế xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) kiểm tra sức khỏe và khai thác thông tin từ chị T.M.A. - lao động ở Nhật Bản về địa phương ngày 3.3.
Kiểm soát chặt người đi - đến
Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, Bình Định đã kiểm soát tình hình và chưa ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19. Song hiện nay diễn biến dịch bệnh đã có những yếu tố mới bởi Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 nước có nhiều công dân của tỉnh đang sinh sống, làm việc. Đây cũng là 2 quốc gia có nhiều lao động đang làm việc tại tỉnh, nguy cơ Covid-19 xâm nhập vào tỉnh nếu không quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Trong tình huống hiện nay cần siết chặt hơn nữa cơ chế phối hợp liên ngành giữa các sở, ngành: Y tế, LĐ-TB&XH, Ban quản lý Khu kinh tế, Du lịch, CA trong khâu quản lý người nước ngoài đến địa bàn tỉnh. Đồng thời, phải làm mạnh tay hơn kiểm dịch y tế cho tất cả khách đi từ các nước đến, kể cả người nước ngoài lẫn người Việt. Đây là cách để tránh bỏ sót người nghi nhiễm Covid-19 từ vùng dịch trở về.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho hay, hiện trên địa bàn tỉnh có 28 lao động là người Trung Quốc (trong đó có 21 lao động về quê ăn tết và quay trở lại Bình Định làm việc, hiện đã được cách ly). Sau khi Nhật Bản, Hàn Quốc trở thành vùng dịch mới của Covid-19, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước nắm bắt tình hình người lao động của tỉnh Bình Định đang làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo đó, có 3.551 lao động: Nhật Bản 3.434 người, Hàn Quốc 117 người. Trong số người lao động ở Hàn Quốc, có 5 người ở trung tâm dịch Deagu, gồm: Hoài Ân 3 người, Phù Mỹ 2 người. “Sở không thực hiện cấp giấy phép lao động mới đối với người nước ngoài đến từ các vùng dịch; chỉ đạo các đơn vị, địa phương không triển khai công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài”, ông Hùng cho hay.
Mới đây, UBND tỉnh đã có cuộc họp triển khai các phương án, kịch bản chủ động phòng chống dịch. Một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu để ngăn chặn dịch vào Bình Định là việc kiểm soát người đi, đến từ các nước có dịch. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đặc biệt yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương kiểm soát chặt người ra - người vào, hạn chế việc đưa người đi đến các vùng dịch. “UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo kiểm tra, rà soát, nắm vững số liệu khách nước ngoài đến ở tại các cơ sở lưu trú; người lạ, khách đến ở tại các hộ gia đình, đặc biệt là khách đến từ quốc gia, vùng có dịch; thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để có biện pháp xử lý theo quy định”, ông Thanh nhấn mạnh.
THU HIỀN