Sau 3 năm triển khai kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể:
Nhiều địa phương thực hiện chưa đúng yêu cầu
Thông tư số 04 (ngày 30.6) của Bộ VH-TT&DL và Kế hoạch số 1070 (ngày 4.10) của Sở VH-TT&DL hướng dẫn triển khai công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể đã được ban hành từ năm 2010. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai thực hiện, công tác này vẫn chưa đạt hiệu quả; di sản nhiều nhưng việc thực hiện kiểm kê theo đúng quy định lại rất ít.
Di sản phong phú
Triển khai từ năm 2011 đến nay, huyện An Lão đã hoàn thành công tác kiểm kê ở 5 xã vùng cao: An Toàn, An Vinh, An Dũng, An Nghĩa, An Quang. Kết quả, đã kiểm kê được 183 bài ngữ văn dân gian và nghệ thuật trình diễn dân gian (chiêng, ta lêu, hát mon, ca choi, hát ru, dân ca…), các phong tục, tập quán lễ hội (bài xói, bài cúng) và các bài thuốc chữa bệnh… của đồng bào dân tộc thiểu số. Các loại hình văn hóa phi vật thể hiện có ở huyện Vĩnh Thạnh rất phong phú, đa dạng nhưng chưa được kiểm kê, sưu tầm, khai thác bảo tồn và lập hồ sơ đưa vào danh mục di sản phi vật thể. Ông Nguyễn Đình Thảo, Phó phòng phụ trách Phòng VHTT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Về văn học truyền miệng có Hơ mon, nghe Roi- truyện kể. Về sinh hoạt ca, múa nhạc có hát dân ca, múa xoang, cồng chiêng, múa khiên, múa vỗ trống; các loại nhạc cụ thổi, nhạc cụ gảy và kéo, nhóm gõ và vỗ. Lễ hội truyền thống có lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, lễ hội lên nhà rông, lễ hội khẩn làng. Nghề thủ công truyền thống có dệt thổ cẩm… Ngoài ra, còn có những tập quán xã hội, nghi lễ và các phong tục khác chưa sưu tầm hết”.
Huyện Phù Mỹ đã tiến hành thống kê ban đầu các loại hình văn hóa phi vật thể trên địa bàn, cho thấy rất phong phú, đa dạng, mang bản sắc riêng được phân bố khắp 17 xã, thị trấn. Chỉ tính loại hình ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian đã có hát bài chòi cổ, dân ca, hát ru, nói vè, hát hò, hát kết, hát đồng dao…“Chưa tổ chức kiểm kê đầy đủ, song thiết nghĩ vẫn còn tiềm ẩn nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị cao chưa được phát hiện”, ông Võ Lê Thi Văn, Phó phòng Phòng VHTT huyện Phù Mỹ, cho biết.
Huyện Hoài Nhơn đã tiến hành kiểm kê tổng quan về số lượng, loại hình di sản văn hóa phi vật thể hiện có trên địa bàn, gồm: nghệ thuật trình diễn dân gian (tuồng, bài chòi), lễ hội truyền thống (cầu ngư, tổ nghề chiếu), ngữ văn dân gian (trò chơi cổ nhơn trong dịp Tết cổ truyền), nghề thủ công truyền thống (chiếu cói, bánh tráng nước dừa, thảm xơ dừa), tri thức dân gian ẩm thực (bánh dây, bún số tám, bánh hồng)…
Kiểm kê chưa đạt yêu cầu
Theo quy định, đối tượng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể bao gồm nhiều loại hình, nội dung kiểm kê phải thu thập nhiều thông tin; phương pháp, quy trình và việc lập hồ sơ kiểm kê cũng phải thực hiện theo nhiều bước.
Huyện An Lão là địa phương triển khai khá tốt công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trong giai đoạn đầu. Hiện huyện An Lão đã hoàn thành việc lập hồ sơ, lưu giữ bằng video, hình ảnh, ghi âm lời nói, chữ viết… và tổ chức hội nghị báo cáo kết quả kiểm kê cho lãnh đạo huyện, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan. Tuy nhiên, việc kinh phí còn hạn chế đã ảnh hưởng đến công tác kiểm kê ở huyện An Lão. Ông Châu Anh Tế, Phó phòng Phòng VHTT huyện An Lão, cho biết: “Kinh phí cho công tác kiểm kê chưa đảm bảo vì chưa có sự hỗ trợ của tỉnh và các chương trình mục tiêu. Huyện cấp cho công tác kiểm kê năm 2011- 2013 chỉ 23 - 25 triệu đồng, nên không thể kéo dài thời gian tìm hiểu, sưu tầm ở các thôn, làng; khiến kết quả thu thập được chưa nhiều, chất lượng còn thấp. Đặc biệt, những di sản có nguy cơ mai một việc thu thập còn khó khăn hơn…”.
Tại Hội thảo về Di sản văn hóa phi vật thể vừa được Sở VH-TT&DL tổ chức, báo cáo của nhiều địa phương cho thấy, ngoài huyện An Lão đã “thực sự vào cuộc”, việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ở phần lớn các địa phương trong tỉnh mới dừng lại ở “nêu tên di sản” là chính, chưa đáp ứng đúng yêu cầu. Khó khăn có thể kể ra, như việc thực hiện phương pháp kiểm kê theo quy định có “nhiều trở ngại” với cán bộ văn hóa cơ sở khi họ phải khảo sát điền dã, phỏng vấn, ghi chép, ghi âm, chụp ảnh, quay phim để thu thập thông tin và tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể. Rồi còn phân tích, đối chiếu, so sánh, đánh giá, tổng hợp các tư liệu. Chưa nói đến phương tiện thiết bị phục vụ kiểm kê, việc tìm ra những cán bộ văn hóa ở huyện, xã có trình độ, đảm nhiệm tốt công việc kiểm kê cũng rất khó. Ông Nguyễn Đình Thảo cho biết: “Đội ngũ làm công tác văn hóa ở Vĩnh Thạnh còn nhiều hạn chế về trình độ, nghiệp vụ. Huyện đã cử đi đào tạo được một số cán bộ học chuyên ngành văn hóa, nhưng những người này vẫn còn mới và thiếu kinh nghiệm thực tiễn”
Để công tác kiểm kê trên địa bàn tỉnh được triển khai có hiệu quả trong những năm tới, góp phần tích cực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, Sở VH-TT&DL cần tiếp tục có kế hoạch tổ chức tập huấn công tác kiểm kê di sản văn hóa trong ngành, từ huyện đến các xã, thị trấn. UBND, ngành văn hóa cấp huyện và cơ sở phải chủ động hơn trong việc lập kế hoạch kinh phí hằng năm để thực hiện sâu- rộng công tác kiểm kê, nhằm sưu tầm, phát hiện, nghiên cứu đánh giá các di sản văn hóa phi vật thể tồn tại trên địa bàn dân cư, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
HOÀI THU