NSƯT Cao Trọng Quế:
Sống xa quê hương vẫn nhớ tuồng
Gặp NSƯT Cao Trọng Quế ở Quy Nhơn sau mấy năm anh qua Mỹ sống, lại nghe anh say sưa tâm sự những nỗi niềm về nghệ thuật truyền thống. “Sống ở nước ngoài nhưng tôi không bao giờ quên tuồng”, NSƯT Cao Trọng Quế bộc bạch.
Sau gần 40 năm gắn bó, cống hiến cho nghệ thuật tuồng; đang làm tốt vai trò Trưởng đoàn biểu diễn của Nhà hát tuồng Đào Tấn, NSƯT Cao Trọng Quế quyết định nghỉ việc, qua Mỹ sống cùng gia đình vào năm 2010. “Ngày rời Việt Nam, tôi nhớ mãi tình cảm quyến luyến, không muốn tôi “bỏ nghề mà đi” của bạn bè và anh em Nhà hát tuồng Đào Tấn. NSND Lê Tiến Thọ, khi ấy là Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, còn nhắn tin: “Việc gia đình thì em đi, nhưng đừng quên tuồng em nhé !”. Rồi người bạn- nhạc sĩ Gia Thiện tặng tôi 2 cuốn video về nhạc tuồng và vở tuồng cổ của cụ Đào Tấn, người em nhạc công Ngọc Châu tặng cây đàn nhị. Tất cả những kỷ niệm, kỷ vật đó là hành trang, nguồn động viên lớn nhắc nhở tôi luôn nhớ đến tuồng...”, anh Quế tâm sự.
Năm 2011, khi Giáo sư Hoàng Chương cùng một số người sang Mỹ giới thiệu về nghệ thuật tuồng ở Trường Đại học Keuka, NSƯT Cao Trọng Quế đã vượt hàng trăm cây số đến đón. Nhờ sự góp sức của Cao Trọng Quế với vai trò nhạc công đánh trống, chơi đàn nhị, đàn bầu, chương trình giới thiệu nghệ thuật truyền thống Việt Nam ở Trường Đại học Keuka đã thêm phần thành công.
Cao Trọng Quế là một nhạc công tài năng và có nhiều cống hiến cho Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Ông từng đoạt giải Nhì trong “Hội thi diễn tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc” tại Đà Nẵng, là 1 trong 5 nhạc công xuất sắc nhất “Hội thi tiếng hát hay tuồng-chèo chuyên nghiệp toàn quốc”. Năm 2007, Cao Trọng Quế đã được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.
Mong muốn góp phần bảo tồn âm nhạc truyền thống, NSƯT Cao Trọng Quế đã nhận dạy nhạc cụ dân tộc là đàn bầu, đàn nhị, sáo trúc cho một số người Việt đam mê âm nhạc dân tộc ở Mỹ. Lúc đầu, những người này học chỉ để biết chơi và đàn cho người nhà nghe. Sau đó, thấy có nhiều học trò khá, NSƯT Cao Trọng Quế đã lập nhóm ngũ tấu biểu diễn các nhạc cụ dân tộc gồm trống, nhị, bầu, sáo, kìm. Nhóm ngũ tấu này chơi nhạc dân ca 3 miền, phục vụ sinh hoạt cộng đồng và khai trường cho các em học sinh lớp Việt ngữ bên Mỹ. Các lớp nhạc này hiện vẫn được NSƯT Cao Trọng Quế duy trì dạy mỗi tuần 3 buổi, tại nhà ông.
NSƯT Cao Trọng Quế tâm sự: “Nơi gia đình tôi đang sống tại Mỹ, người Việt rất đông, trong đó có khoảng gần 40 gia đình là người gốc Bình Định. Khi sinh hoạt cộng đồng và họp đồng hương Bình Định tại Atlanta, tôi thấy mọi người rất xúc động khi nghe ca khúc “Hát bội đêm xuân” của nhạc sĩ Đào Minh Tâm, nhiều người đã khóc vì nhớ quê, nhớ hát bội…”.
Những năm sống xa quê, NSƯT Cao Trọng Quế luôn hướng về quê hương và theo dõi thông tin về những bước đi của nghệ thuật tuồng Bình Định. Ông trăn trở nhiều khi thấy việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng đang gặp nhiều khó khăn…“Trong cuộc sống hiện tại, nếu bảo tồn nghệ thuật tuồng không đúng hướng, đào tạo kiểu “gượng ép” hoặc làm để phô trương thành tích với cấp trên thì sẽ không thành công. Nếu để công chúng ngày càng xa rời thì tuồng sẽ mai một nhanh chóng”, NSƯT Cao Trọng Quế bày tỏ.
MAI THƯ