Tái cơ cấu quỹ tín dụng nhân dân: Hoạt động nền nếp, hiệu quả hơn
Thực hiện Quyết định số 1058/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Ðịnh, các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp, hoạt động hiệu quả hơn; đóng góp thiết thực cho sự phát triển KT-XH của địa phương.
Thực hiện Quyết định số 1058/QĐ-TTg, giai đoạn 2016 - 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Định (Chi nhánh NHNN tỉnh) triển khai đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, trong đó có 27 quỹ tín dụng nhân dân (TDND). Đến nay, về cơ bản các quỹ hoạt động tương đối ổn định, có đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của địa phương. Từ năm 2016 đến nay, các chỉ số về huy động vốn, cho vay của các quỹ trên địa bàn tỉnh năm sau đều cao hơn năm trước.
Nhờ được vay vốn từ quỹ TDND, nhiều nông dân ở phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn) đã có thêm tiền để đầu tư trồng rau an toàn.
Tại hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020, hoạt động của hệ thống quỹ TDND được đánh giá khả quan. Năm 2019, hệ thống này huy động hơn 1.741 tỷ đồng; tổng vốn cho vay hơn 1.594 tỷ đồng, tăng 24,52% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý là tỷ lệ nợ xấu của các quỹ đều giảm, nhiều quỹ có tỷ lệ nợ xấu 0% như Quỹ TDND Nhơn Thành, Quỹ TDND Nhơn Hạnh (TX An Nhơn), Quỹ TDND Ngô Mây, Quỹ TDND Cát Hanh (huyện Phù Cát), Quỹ TDND Phù Mỹ; số Quỹ TDND còn lại tỷ lệ nợ xấu đều dưới mức 0,1%.
Theo ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh NHNN tỉnh, những kết quả tích cực đến từ việc, trong hoạt động chỉ đạo điều hành chung, đơn vị đã thực hiện và hỗ trợ kịp thời cho các quỹ. Hàng năm, Chi nhánh tổ chức riêng một chuyên đề cho các quỹ, kịp thời giúp các quỹ tháo gỡ khó khăn. Tại buổi làm việc này, Phòng Thanh tra, giám sát ngân hàng (Chi nhánh NHNN tỉnh) đưa ra vấn đề cụ thể, các điểm cần hoàn chỉnh, rút kinh nghiệm mà Phòng phát hiện được trong quá trình thanh tra, giám sát để cán bộ các quỹ làm rõ, khắc phục và hoàn chỉnh hệ thống. Đồng thời Chi nhánh cũng hỗ trợ giải pháp để các quỹ TDND nâng cao hiệu quả hoạt động. “Mỗi năm, Phòng Thanh tra, giám sát ngân hàng chỉ thực hiện thanh tra, giám sát một số quỹ, do đó nếu đợi đến khi được thanh, kiểm tra mới hoàn thiện thì rất khó. Để kịp thời phổ biến thông tin, chủ động hỗ trợ các quỹ, tại buổi họp chuyên đề dành riêng cho các quỹ TDND, chúng tôi phổ biến đầy đủ các vấn đề liên quan đến chính sách, chủ trương; nêu khó khăn, vướng mắc thực tế từ những quỹ đã kiểm tra, phổ biến cách thức xử lý, khắc phục đạt hiệu quả cao để những quỹ còn lại rút kinh nghiệm, học tập”, ông Dương cho biết.
Các quỹ TDND thành lập và hoạt động dựa trên nguyên tắc hợp tác xã, với mục đích tương trợ, liên kết giữa các thành viên, giúp họ cải thiện sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống. Hoạt động của quỹ TDND mang tính chất hỗ trợ, phục vụ cho cộng đồng dân cư trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện quỹ TDND gặp khó trong việc huy động vốn theo Thông tư 04/2015/TT-NHNN; công tác điều hành quỹ còn hạn chế do thiếu lao động giỏi.
Ông Ngô Thanh Lý, Chủ tịch Liên minh HTX Bình Định, nhìn nhận thẳng thắn: Đóng góp của quỹ TDND trong vai trò trợ lực kinh tế địa phương là tích cực, song với quy mô nhỏ như hiện nay chắc chắn đóng góp cho kinh tế địa phương còn nhiều hạn chế. Việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, trong đó then chốt là hệ thống quỹ TDND đạt kết quả khá, là một tín hiệu tích cực, song hệ thống này vẫn cần được hỗ trợ nhiều hơn để có thể hoạt động tốt hơn. Với vai trò của Liên minh HTX, đơn vị sẽ tiếp tục kiến nghị với NHNN xem xét lại quy định tại Thông tư 04, đơn cử như tại một số điểm: Tổng mức vốn tối đa có thể đóng góp của mỗi thành viên không được quá 10% vốn điều lệ của quỹ, địa bàn được phép huy động vốn, điều kiện để trở thành thành viên...
THU DỊU