Chương trình toàn diện và tích hợp trợ giúp người khuyết tật tại Bình Định (DSP):
Hỗ trợ mở rộng, toàn diện để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng
Trung tuần tháng 11, Sở LĐ-TB&XH, Tổ chức Development Alternative Inc. (DAI) và Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH) đã ký biên bản ghi nhớ cùng hợp tác thực hiện Chương trình toàn diện và tích hợp giúp người khuyết tật tại Bình Định, do Cơ quan Viện trợ quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. PV Báo Bình Định đã có cuộc trao đổi với ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc phụ trách Sở LĐ-TB&XH xung quanh Chương trình này.
Lễ ký kết chương trình DSP tại Bình Định.
* Thưa ông, được biết Chương trình DSP là sự tiếp nối của Dự án trợ giúp người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh trong hai năm 2009 và 2010, do Quỹ FORD tài trợ?
- Trước đây, từ nguồn tài trợ của Quỹ FORD, VNAH đã phối hợp với tỉnh triển khai Dự án trợ giúp người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, tập trung ở địa bàn hai xã Cát Hưng và Cát Tân (Phù Cát) - nơi bị rải chất độc hóa học nhiều nhất tỉnh, và thành lập 2 trung tâm trợ giúp người khuyết tật cho các địa phương đó. Dù dự án sau đó phải tạm dừng do Quỹ FORD gặp khó khăn, nhưng hiệu quả thực hiện đã được đánh giá tốt. Vì thế, khi tìm được nguồn quỹ USAID của Chính phủ Mỹ để khắc phục hậu quả do chất độc hóa học/dioxin mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam, thông qua Tổ chức DAI, VNAH, mô hình dự án Quỹ FORD trước đó được tiếp tục mở rộng.
* Với chương trình lần này, người khuyết tật tại Bình Định có thêm những hỗ trợ nào mới?
- So với Dự án được FORD tài trợ, Chương trình DSP sẽ triển khai trong 3 năm với khoảng 18 tỉ đồng, hướng đến đối tượng chính là người khuyết tật. Chương trình lần này sẽ ưu tiên các hoạt động nâng cao năng lực, xây dựng, triển khai các kế hoạch trợ giúp người khuyết tật trên toàn tỉnh. Hoạt động trực tiếp hỗ trợ người khuyết tật sẽ được nới rộng trên toàn địa bàn huyện Phù Cát.
Lần này, ngoài Sở LĐ-TB&XH, sẽ có sự phối hợp của Sở GD&ĐT và Sở Y tế trong đào tạo nâng cao nhận thức hòa nhập cộng đồng và chăm sóc sức khỏe. Chương trình sẽ mở thêm một số trung tâm phục hồi chức năng tại khu dân cư, nơi có nhiều người khuyết tật sinh sống để họ dễ dàng đến tập luyện và được hướng dẫn để tự luyện tập tại nhà; hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật bằng cách tạo việc làm, tạo điều kiện tiếp cận trong học nghề và hỗ trợ nguồn vốn để hộ gia đình có người khuyết tật cải thiện kinh tế gia đình; hỗ trợ trẻ khuyết tật đến trường, nâng cao năng lực cho hệ thống giáo dục đặc biệt và hòa nhập; hỗ trợ các hoạt động thúc đẩy chính sách cho người khuyết tật.
Chương trình DSP triển khai các kế hoạch trợ giúp người khuyết tật trên tất cả các lĩnh vực: giáo dục, y tế, ổn định đời sống…
- Trong ảnh: Trẻ khuyết tật được chăm sóc tại Trung tâm BTXH tỉnh.
* Chương trình đã được triển khai thực hiện đến đâu, thưa ông?
- Sau ký kết, Sở tiếp tục trình UBND tỉnh thành lập Ban điều phối triển khai Dự án, phối hợp với đơn vị liên quan như Sở GD&ĐT, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Ngoại vụ và UBND huyện Phù Cát để cùng thực hiện. Ban điều phối sẽ thống nhất với Ban đại diện của VNAH lập kế hoạch cụ thể, đảm bảo triển khai đúng thời hạn từng đầu việc trong từng giai đoạn. Trước mắt, sẽ chọn địa điểm xây dựng các trung tâm phục hồi chức năng. Chúng tôi dự tính sẽ tận dụng các vị trí gần các Trạm y tế xã để tranh thủ nguồn lực cán bộ, nhân viên y tế địa phương.
Thực tế, tỉnh ta còn rất nhiều người khuyết tật ở những vùng rất khó khăn. Khi điều kiện ngân sách nhà nước chưa thể bao phủ thì cần tranh thủ các nguồn tài trợ thông qua các tổ chức quốc tế. Sở LĐ-TB&XH hy vọng các sở, ngành được UBND tỉnh giao phối hợp sẽ tiếp nhận, triển khai chương trình này một cách tích cực để tạo niềm tin cho các tổ chức tài trợ.
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN MUỘI
“VNAH chọn giới thiệu Chương trình DSP về Bình Định vì từ lần hợp tác trước, chúng tôi biết đây là một địa chỉ có nhiều người khuyết tật cần được hỗ trợ. So với dự án trước, chương trình lần này có hoạt động toàn diện và độ bao phủ lớn hơn. Từ hiệu quả rất tốt của lần hợp tác trước, Bình Định hiện là một trong những tỉnh được ưu tiên trong nhiều chương trình của VNAH. Chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm và ưu tiên “kéo” một số nhà tài trợ về với tỉnh. Thế nhưng, để các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ, cần sự vào cuộc nhanh của địa phương từ khâu thủ tục giấy tờ đến khi tiến hành. Chính quyền địa phương cũng cần đóng góp cụ thể vào việc triển khai hỗ trợ người khuyết tật tỉnh nhà, như sắp tới cần phê duyệt Đề án của Sở LĐ-TB&XH hỗ trợ người khuyết tật, phân bổ kinh phí cụ thể, lồng ghép vào các chương trình cụ thể để hoạt động vì người khuyết tật bền vững hơn”.
ÔNG BÙI VĂN TOÀN, GIÁM ĐỐC VNAH TẠI VIỆT NAM