Tuy Phước chuẩn bị kỹ cho vụ nuôi tôm
Vụ nuôi trồng thủy sản năm 2020, bà con ngư dân ở 4 xã khu Đông huyện Tuy Phước là Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng đưa vào nuôi hơn 971 ha diện tích mặt nước, trong đó có 90 ha nuôi tôm bán thâm canh.
Vụ nuôi tôm năm nay, người nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất lợi, mùa mưa năm ngoái không có mưa lũ lớn khiến cho chất thải từ các ao tôm trong vùng không được rửa trôi, nguồn nước ít nhiều bị ô nhiễm nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh tôm nuôi là rất lớn.
Một hồ tôm ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước.
Để giúp bà con yên tâm sản xuất, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp, như: Phối hợp cùng các ngành liên quan hỗ trợ tìm nguồn giống chất lượng cung cấp cho người nuôi tôm, tăng cường công tác kiểm dịch tôm giống, vận động bà con xử lý môi trường ao nuôi và xung quanh ao nuôi, thả giống đúng lịch thời vụ. Đặc biệt, khi có dịch bệnh xảy ra, chủ hộ nuôi cần báo cáo cho chính quyền địa phương và các ngành chức năng chuyên môn xử lý kịp thời, tránh lây lan sang diện rộng.
Ông Phạm Quang Ân, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Theo lịch thời vụ, vụ 1 thả giống từ ngày 1.3. Hiện nay, người nuôi tôm đã thả giống khoảng 550 ha. Cuối tháng 2, đầu tháng 3 trên địa bàn huyện có nhiều đợt không khí lạnh với diễn biến phức tạp, nóng vào ban ngày, lạnh vào ban đêm, chênh lệch nhiệt độ khá cao gây sốc môi trường, dễ phát sinh dịch bệnh, khiến vật nuôi bị ảnh hưởng. Chúng tôi cập nhật tình hình, thường xuyên khuyến cáo bà con theo dõi diễn biến thời tiết để đảm bảo sản xuất an toàn, hạn chế dịch bệnh.
Tại xã Phước Sơn, người nuôi tôm đã thả giống được 175 ha trong tổng số 274 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản ở địa phương. Diện tích còn lại đang làm đất, phơi đáy ao và triển khai thả theo đúng lịch thời vụ.
Bà Trần Thị Lạp, ở thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận, cho biết: Năm nay, gia đình tôi nuôi 1,5 ha tôm, thời tiết có nhiều diễn biến thất thường làm ảnh hưởng đến môi trường và nguồn nước nên tôm dễ phát sinh dịch bệnh. Chúng tôi rất mong ngành chuyên môn cung cấp thông tin, tư vấn chính xác để người nuôi tôm yên tâm.
Chia sẻ nỗi lo của người dân, ông Nguyễn Trường Thịnh, cán bộ phụ trách nông, lâm, ngư, công thương nghiệp của xã Phước Thuận cho biết: Đến nay bà con trong xã đã thả giống được hơn 246,5 ha diện tích mặt nước. Trong đó, có 15 ha nuôi tôm thẻ chân trắng bán thâm canh, thâm canh và số diện tích còn lại là nuôi xen tôm - cua - cá theo hình thức quảng canh cải tiến. Để đảm bảo vụ nuôi thành công, cũng như các địa phương khác, chúng tôi tích cực khuyến cáo người nuôi tôm thực hiện đúng lịch thời vụ, chú trọng thực hiện “3 giảm, 3 tăng” trong nuôi tôm nước lợ, gồm: Giảm vụ nuôi xuống còn 2 vụ/năm để kéo dài thời gian cho ao đất nghỉ ngơi; giảm mật độ thả giống xuống khoảng từ 20 - 40 con/m2; giảm hoặc ngưng sử dụng các loại thuốc, hóa chất để cải tạo ao, phòng chống bệnh. Tăng cường quản lý môi trường ao nuôi tốt hơn; tăng cường nuôi luân canh cá - tôm, thả nuôi cá rô phi tại ao lắng để xử lý chất cặn bã trước khi thải ra môi trường; tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học trong cải tạo ao nuôi.
XUÂN VINH