Vĩnh Thạnh thu hút đầu tư vào CCN Tà Súc
Theo quy hoạch, Cụm công nghiệp (CCN) Tà Súc (cả 2 giai đoạn) có tổng diện tích hơn 36 ha, nằm trên địa bàn xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh. Các ngành nghề thu hút đầu tư vào CCN này chủ yếu gồm chế biến nông - lâm sản, vật liệu xây dựng, sản xuất hạt nhựa, sơ chế cao su thứ phẩm, sản xuất đế giày, cơ khí…
Cổng chính vào CCN Tà Súc.
Thời gian qua, huyện Vĩnh Thạnh cùng chủ đầu tư hạ tầng CCN Tà Súc đã tập trung đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật của CCN. Cùng với đó, huyện tích cực mời gọi, thu hút các nhà đầu tư với các chính sách ưu đãi dành cho huyện miền núi đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, đến nay, CCN Tà Súc thu hút được 12 DN vào đầu tư, với diện tích thuê đất 21,36 ha. Trong đó, 7 DN đã hoàn thành việc đầu tư nhà xưởng, cơ sở sản xuất và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. Trong năm 2019, các DN này đã đạt mức doanh thu gần 362 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 26 tỷ đồng. Nhờ hoạt động hiệu quả nên các DN đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 200 lao động tại địa phương, với mức thu nhập trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Ông Lê Văn Đính, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Hầu hết các DN hoạt động hiệu quả tại CCN Tà Súc là nhờ biết khai thác, tận dụng được nguồn nguyên liệu nông, lâm sản tại chỗ và lực lượng lao động dồi dào để phát triển các lĩnh vực đặc thù riêng như chế biến nông - lâm sản, vật liệu xây dựng, chế biến đồ gỗ mỹ nghệ…
Có thể kể đến Chi nhánh Công ty TNHH Hào Hưng Phát, chuyên sản xuất dăm gỗ xuất khẩu. Năm 2019, DN đã sản xuất 51.000 tấn dăm, đạt tổng doanh thu hơn 152 tỷ đồng. Hoặc như Công ty TNHH Nhiệt Đồng Tâm Vĩnh Thạnh hoạt động trên lĩnh vực chế biến tinh bột mì xuất khẩu. Năm 2019, DN đã chế biến và xuất khẩu được 22.000 tấn tinh bột mì, tổng doanh thu đạt hơn 200 tỷ đồng.
Ông Trần Minh Thường, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tinh bột sắn Nhiệt Đồng Tâm Vĩnh Thạnh, cho hay: “Chúng tôi chọn đầu tư ở đây vì Vĩnh Thạnh và các huyện lân cận có diện tích mì khá lớn, đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhà máy; xây dựng nhà máy tại CCN Tà Súc còn có lợi thế về mặt giao thông khi cự ly vận chuyển mì nguyên liệu từ các huyện phía Đông của tỉnh Gia Lai về khá gần. Nhiều năm qua, nhờ vùng nguyên liệu đảm bảo nên nhà máy luôn hoạt động hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho gần 80 công nhân lao động tại địa phương. Riêng trong năm 2019, DN đã nộp ngân sách nhà nước 12 tỷ đồng”.
“Kết quả thu hút đầu tư thời gian qua đã tạo động lực khá lớn giúp địa phương đẩy mạnh phát triển KT-XH. Điều đáng mừng là trong năm 2019, giá trị sản xuất CN - TTCN trên địa bàn huyện ước thực hiện đạt gần 137 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm trước đó. Huyện đang tiếp tục nỗ lực để tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng tại CCN Tà Súc, thu hút đầu tư”, ông Đính nhấn mạnh.
GIA NGUYỄN