“Tuổi già đâu phải chỉ nghỉ ngơi”
Bà Nguyễn Thị Bảy (75 tuổi, ở số nhà 186/27 Nguyễn Thái Học, phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn) có 15 năm gắn bó với Trung tâm BTXH Ðồng Tâm ở vị trí là thành viên Hội đồng bảo trợ. 4 năm trở lại đây, bà gắn bó thêm với Bếp ăn tình thương BVÐK tỉnh. Với bà, “tuổi già đâu phải chỉ nghỉ ngơi”.
Bà Nguyễn Thị Bảy (thứ ba từ phải sang) cùng với các tình nguyện viên chuẩn bị 450 suất bún thịt, cá phục vụ bệnh nhân nghèo trong những ngày đầu năm 2020.
Bà Bảy tự nhận mình là một “người đi xin” lâu năm. Mấy năm qua, bà gõ cửa các DN, những chỗ quen biết để góp thêm nguồn lực cho Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm - nơi đang chăm lo cho khoảng 100 trẻ khuyết tật. Ngược lại với tốc độ khôn lớn của những đứa trẻ khuyết tật, bà Bảy ngày một già đi. Nhưng lòng bà luôn nóng bỏng một ước muốn: Ước gì mình đủ sức khỏe để vận động thêm, góp thêm cho nơi đó và cho nhiều phận người khó khăn khác.
Ngày 25 âm lịch hằng tháng, bà Bảy đều ủng hộ cố định 100 suất cơm và 450 quả trứng gà (trị giá hơn 2 triệu đồng) cho bệnh nhân nghèo tại BVĐK tỉnh từ nguồn tiết kiệm, để dành của bản thân mình. Để đảm bảo tối thiểu 450 suất cơm vào ngày mà mình đăng ký nấu, bà đi vận động thêm rất nhiều người. Nhà hảo tâm đóng góp cho bà dù 20.000 đồng hay 50.000 đồng/tháng, bà đều đạp xe đến tận nhà để nhận. Có người ủng hộ cho bà xong, họ lại chủ động tiếp tục vận động phụ bà. Họ vận động chị em tiểu thương trong khu chợ hoặc hàng xóm rồi điện thoại bà đến nhận.
Bà Bảy kể: “Vì mình có tuổi rồi nên phải luôn luôn suy nghĩ, tính toán, ghi chép lại cho khỏi quên. Ca nấu hàng tháng của tôi tại Bếp đều do một tay tôi mua sắm, nấu chính, các chị tình nguyện viên sẽ phụ thêm. Tôi luôn tâm niệm, mình xin đã khó, mua sắm nguyên liệu, nấu nướng, phân chia các suất ăn càng phải kỹ càng để không phí từng đồng tiền một. Nhiều tiểu thương thấu hiểu cho tôi, sẵn lòng cho nợ một phần tiền còn thiếu rồi hai ba ngày sau trả dần”.
Nếu gặp bà Bảy ở bếp ăn tình thương BVĐK tỉnh lần đầu tiên, không ít người sẽ bất ngờ khi biết bà ăn chay trường. Bởi dù ăn chay, bà vẫn đứng bếp, nấu các món mặn cho bệnh nhân nghèo, tự tay bỏ gia vị và chỉ nhờ người khác nếm giúp. Bà Bảy còn chịu khó đi hỏi, học tập cách nấu của nhiều người thợ nấu đám để nâng cao chất lượng bữa cơm gửi đến bệnh nhân nghèo.
Nhiều người thắc mắc, suất cơm của bà Bảy sao nhất định phải có quả trứng luộc kèm theo, bà lý giải: “Quả trứng luộc quý với người bệnh lắm. Nó giàu dinh dưỡng, cũng rất dễ ăn. Buổi trưa, bệnh nhân ăn cơm, nếu xế có đói, có thể bóc quả trứng ra chấm muối tiêu cho đỡ xót bụng”.
Bà Trần Thị Tuyết, đại diện Ban quản lý Bếp ăn tình thương BVĐK tỉnh chia sẻ về bà Bảy: “Cô Bảy tuổi cao nhưng tâm huyết, tận tình với bệnh nhân nghèo. Tháng 2, cả nước lo lắng về dịch Covid-19, nhiều nhóm quyết định hoãn buổi nấu, cô Bảy vẫn cứ quyết nấu theo lịch của mình. Cô bảo: Đây là lúc bệnh nhân nghèo cần mình nhất. Hôm trước nấu cơm tại BVĐK tỉnh, hôm sau, cô lại lên đường mang quà, các suất ăn tình thương về cho bệnh nhân tâm thần ở Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn”.
AN PHƯƠNG