Võ sư Kim Sơn: Một ngôi sao đất Võ
Trong hơn nửa thế kỷ “hành tẩu giang hồ”, võ sư Kim Sơn đã để lại nhiều dấu ấn bằng tinh thần thượng võ, lối đánh uy lực cùng nhiều thế hệ học trò xuất sắc. Giã từ cõi tạm khi đã cận kề tuổi 90, gia tài võ thuật của ông đã góp phần vào sự phong phú của khu vườn võ thuật Bình Ðịnh.
Võ sư Kim Sơn (người thứ 4 từ trái qua, hàng ngồi) cùng gia đình.
Chào đời năm 1931 và lớn lên tại Thừa Thiên - Huế trong bối cảnh đất nước “chìm trong đêm tối”, Kim Sơn (tên đầy đủ là Nguyễn Kim Sơn) cùng gia đình phiêu dạt nhiều nơi, trước khi chọn Bình Định làm chốn dừng chân. Đây có lẽ là nơi phù hợp với người sinh ra trong gia đình có truyền thống và đam mê võ thuật như ông. Được học võ từ chính cha ruột của mình, sau đó, được anh trai (võ sư Kim Anh, từng có 7 năm học boxing tại Pháp và vô địch Đông Dương, được coi là ông tổ của boxing Bình Định) chỉ dạy nhiều đòn đánh hiệu quả, Kim Sơn có thừa sự tự tin để lên sàn đài khi ở tuổi 17.
Dáng người nhỏ con, chỉ cao chừng 1,6 m, nhưng nhờ tố chất đặc biệt cùng sự tập luyện nghiêm túc, người đàn ông này luôn khiến đối thủ phải vị nể khi đối mặt. Với lối đánh ôm vai, bo ngựa, cách di chuyển khó chịu, vừa tránh né đòn, vừa tìm sơ hở của đối phương, sau đó tung ra những cú đấm bằng tay trái sở trường, ông có thể hạ đối thủ chỉ bằng vài đòn thôi sơn. Không chỉ thi đấu bộ môn boxing, Kim Sơn còn sẵn sàng nhận lời thách đấu ở môn võ tự do. Ông được nhắc đến nhiều sau chiến tích hạ cả hai võ sĩ Thái Lan ngay tại Đức Phổ (Quảng Ngãi).
Làm rể Hoài Nhơn, võ sư Kim Sơn may mắn được người nâng khăn sửa túi quán xuyến việc nuôi dạy 7 người con, để ông chuyên tâm theo nghiệp võ. Những năm 80 của thế kỷ trước, trong nhà ông lúc nào cũng có vài đệ tử theo học võ, cả 7 người con của ông cũng được cha chỉ cho những bài quyền, đòn đấm, đá. Tuy được đánh giá là không có tố chất tốt như các anh em, nhưng Nguyễn Kim Quang, con trai thứ 4 của võ sư Kim Sơn, lại làm rạng danh môn phái, khi 2 lần giành chức vô địch boxing TP Hồ Chí Minh các năm 1993 và 1995. Tuy nhiên, vì những lý do riêng Kim Quang chưa một lần được gọi vào đội tuyển quốc gia. Trong số những đệ tử của võ sư Kim Sơn có thể kể đến những tên tuổi nổi tiếng như: Võ sư Kim Huệ, võ sư Kim Hòa, đặc biệt là Kim Dũng - người có công lớn trong việc đưa võ cổ truyền và boxing Bình Định trở thành một “thế lực” trong cả nước.
Võ sư Kim Sơn, người từng vô địch boxing Sài Gòn năm 1957. Ảnh do gia đình cung cấp
Nhắc về người thầy quá cố, ông Mai Văn Tài, biệt danh Tài “Đô” - một cựu thành viên Đội SBC thuộc Phòng Cảnh sát hình sự CA TP Hồ Chí Minh, bồi hồi: “Sau ngày đất nước thống nhất, trật tự xã hội chưa thể ổn định ngay, nhiều băng nhóm tội phạm lộng hành, nhất là trên các chuyến tàu lửa. Năm 1978, tôi là Trạm trưởng CA đường sắt Ga Quy Nhơn, có dịp được theo học thầy Kim Sơn và được ông nhận là con nuôi. Chính những đòn chỏ gối vô cùng lợi hại mà thầy chỉ dạy đã giúp tôi hạ được nhiều tên cướp liều lĩnh, nếu không, chưa chắc tôi còn sống đến giờ để kể lại những câu chuyện này”.
Theo đuổi nghiệp võ, Kim Sơn từng hàng trăm lần lên đài, so găng với nhiều đối thủ. Và ông cũng ghi danh lịch sử với chức vô địch boxing Sài Gòn năm 1957. Tuy vậy, đến nay không có nhiều học trò được xem ông thi đấu. Một trong những người có được may mắn đó là ông Lê Trọng Xứng (ở TP Quy Nhơn). “Tôi nhớ đó là năm 1981, thầy Kim Sơn thượng đài với võ sư Nguyễn Văn tại Nghĩa Dõng (Quảng Ngãi). Dù khi đó đã ở tuổi 50, nhưng sức hút của võ sư Kim Sơn vẫn rất lớn, khiến hàng nghìn khán giả kéo đến theo dõi, đạp bằng cả hàng rào kẽm gai. Trận đấu chỉ diễn ra trong 2 hiệp, được chấm hòa. Đó cũng là trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp của võ sư Kim Sơn” - ông Xứng hồi tưởng.
Ngày 24.2 vừa qua (2.2 âm lịch), võ sư Kim Sơn đã về với tổ tiên. Trong những ngày cuối đời, bên cạnh ông không chỉ có gia đình mà còn nhiều đệ tử chăm sóc tận tình. Ông ra đi, nhưng chắc chắn những câu chuyện về võ sư tài danh, với những đòn tay trái uy lực vẫn sẽ còn được giới võ thuật nhắc đến trong sự trân trọng và ngưỡng mộ.
HOÀNG QUÂN