Vì là tình thân, tình người!
1.
Chồng bỏ nhà đi biệt tích nhiều năm, nghe đâu đã có hạnh phúc mới, chị vẫn chọn ở cùng, hiếu thuận, chăm sóc bà nội chồng già yếu ân cần, chu đáo như trước. Đơn thân nuôi 3 con, nên chị suốt ngày chạy chợ mưu sinh bằng nghề mua bán dừa. Ngoài một mình lo toan chuyện áo cơm, gánh nặng việc nhà, ngoài bà nội chồng, còn có người con thiểu năng. Vậy nhưng, chuyện chăm sóc bà nội chồng, nhất là phòng ở, vệ sinh cá nhân, như cách nói gọn ghẽ, dân dã của người cháu trai phía chồng chị gọi chị bằng thím là: Gần 5 năm bà cụ đau nằm một chỗ mà trong phòng không hề nghe mùi nước tiểu.
Nhiều lần gia đình phía chồng chị, vì ái ngại và cả thật lòng thương chị, muốn san sẻ gánh nặng, nghiêm túc sang đề nghị đưa bà cụ về nhà họ nuôi, nhưng không ai “giành” lại chị. Chị giải thích đơn giản là, việc nhà bao năm vậy, chị thu vén đã quen, không thấy gánh nặng gì. Hơn nữa còn là tình cảm bà cháu quyến luyến, là cảm giác thân thuộc, đông đủ giữa các thành viên với nhau, chị không muốn vắng thêm ai. Cứ thế, đến khi bà nội chồng qua đời... Chị khẳng định, việc chị giữ lại bà nội chồng không hề vì ý nghĩ chờ đợi một ngày nào đó người chồng quay về sẽ cảm kích, mà chỉ là nhu cầu tình cảm rất tự nhiên. Người cháu trai phía chồng chị đã nhắc đến ở trên, cũng là anh bà con nhà tôi, mỗi khi nhắc đến thím mình lại gật gật đầu xúc động nói: “khâm phục”.
2.
Ủng hộ cha chồng xin ra khỏi diện hộ nghèo, người con dâu trẻ lam lũ ấy để lại thiện cảm mạnh mẽ trong tôi. Vợ chồng chị với 3 đứa con nhỏ độ tuổi tiểu học và mầm non, sống cùng cha chồng và người chị chồng bị thiểu năng, nếu tiếp tục ở trong chính sách hộ nghèo, đồng nghĩa gia đình nhỏ của chị cũng được hưởng lợi. Đỡ nhất là các khoản học phí hằng tháng cho 3 đứa trẻ. Vậy mà, cùng với chồng, chị vui vẻ ủng hộ cha mạnh dạn thực hiện quyết định tự trọng mà trước đó cha e ngại, vì sợ làm khổ lây con dâu khi xin ra khỏi diện hộ nghèo.
Chị nhẹ nhàng bảo, cha làm vậy là rất phải, vợ chồng chị ủng hộ, học theo chứ sao lại ích kỷ cản trở. Về phần người chị chồng, chị không thể nào quên, nỗi lo và mong mỏi của mẹ chồng chị trước khi bà qua đời, đó là đứa con ngờ nghệch sẽ vẫn được chăm sóc như khi còn mẹ. Chị tuy là em dâu nhưng là phụ nữ duy nhất trong nhà, tiện nhất, không nói ra song chị biết mẹ gửi gắm nơi chị.
Hai người phụ nữ, một trung niên, một còn trẻ nói trên là “người thật, việc thật”. Người cháu dâu hiếu thảo, nặng tình nghĩa là chị Ngô Thị Tý, tên thường gọi là Nguyệt, ở Tam Quan Nam - Hoài Nhơn. Người con dâu đảm đang, đầy lòng trắc ẩn là chị Huỳnh Thị Hoài, ở Ân Nghĩa - Hoài Ân. Kể câu chuyện của họ, nhất là chuyện chị Nguyệt, không nhằm cổ xúy việc phụ nữ chịu đựng, lặng thầm hy sinh, nhận phần thiệt về mình. Song, trong những người phụ nữ lao động bình dân ấy, sáng lên những đức tính truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.
KHẢI THƯ