Du hành cùng những “giọt “tháp Chăm
Lần đầu tiên đến Quy Nhơn - Bình Ðịnh, nhà thơ - nhạc sĩ nổi tiếng Văn Cao viết “Từ trời xanh/Rơi/Vài giọt tháp Chàm/Quanh Quy Nhơn/Tôi/Như đứa trẻ yêu huyền thoại”. Khi viết những dòng ấy, hẳn ông không nghĩ rằng một ngày kia nhiều người vì yêu thơ ông, muốn lặp lại những trải nghiệm của ông mà về Bình Ðịnh, ruổi rong trên những nẻo đường quê để ngắm và cảm nhận các ngôi tháp cổ rơi như thế nào.
Toàn cảnh tháp Bánh Ít. Ảnh: ĐÀO PHAN MINH CẦN
Từ TP Quy Nhơn đi về phía Bắc khoảng 20 km, điểm check-in đầu tiên bạn nên chọn là tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước). Ngôi tháp ngự trên đỉnh ngọn đồi cao, có niên đại thế kỷ XI này hài hòa trong vẻ đẹp trầm mặc và kiêu hãnh của kiến trúc đền tháp Champa. Đây cũng là quần thể tháp có số lượng nhiều nhất ở Bình Định gồm 4 tháp.
Phải nói ngay, đến với tháp Chăm du khách không chỉ được chiêm ngưỡng nét đặc sắc trong kiến trúc đền tháp, điêu khắc Champa mà còn được ngắm thỏa thích phong cảnh thiên nhiên. Từ tháp cổng nhìn xuống, trong tầm mắt là làng quê yên bình, sông xanh uốn khúc, xa xa về phía Nam là những tòa cao ốc ở Quy Nhơn. Những ngọn đồi nhỏ lúp xúp, bên dưới dù chỉ là những khóm, bụi cây dại kết thành thảm xanh, tạo cảm giác yên bình, thư thái. Nhắc để bạn nhớ, đừng quên góc máy đẹp chụp từ tháp cổng hướng lên cao, hậu cảnh là những ngôi tháp còn lại.
Tháp Cánh Tiên.
Từ tháp Bánh Ít tiếp tục đi theo QL 1A về hướng Bắc khoảng chục cây số là đến tháp Cánh Tiên (niên đại thế kỷ XII, ở xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn). Đây là ngôi tháp duy nhất còn sót lại ở khu vực trung tâm thành Đồ Bàn kinh đô Vijaya của vương quốc Champa. Tháp Cánh Tiên có nhiều cột ốp tường là những phiến sa thạch chạm khắc hoa văn dây xoắn trang trí tuyệt đẹp. Ngôi tháp được tạo dáng thanh thoát, bốn góc tháp đang trang trí hình cánh chim phụng cong vút lên. Nhìn từ xa, nhiều người liên tưởng như nàng tiên, có lẽ vì thế mà thành tên tháp.
Sẽ vô cùng thiếu sót nếu bạn bỏ qua tháp Dương Long (niên đại thế kỷ XII, ở xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, tháp Champa duy nhất của Bình Định được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt từ năm 2015). Từ tháp Cánh Tiên đến tháp Dương Long khoảng chừng hơn chục cây số thôi. Tháp Dương Long là một tổ hợp gồm ba ngọn tháp, đây là những ngôi tháp lớn nhất trong số các đền tháp Champa hiện còn ở Việt Nam. Sau 3 cuộc khai quật, giá trị của tháp Dương Long càng được khẳng định.
Tháp Dương Long.
“Hạnh phúc không chỉ là đích đến, mà cả cuộc hành trình”, khi khám phá tháp Champa theo hành trình trên, bạn còn có thể kết hợp tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của vùng đất Bình Định. Trên đường từ Quy Nhơn đi tháp Bánh Ít có thể ghé tham quan Tiểu chủng viện Làng Sông (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước), từ tháp Bánh Ít đi tháp Cánh Tiên có thể ghé tham quan chùa Thiên Hưng (phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn). Ngay gần khu vực tháp Cánh Tiên là di tích Tử cấm thành của thành Hoàng Đế sẵn sàng đón du khách vào tìm hiểu...
Từ khu vực di tích thành Hoàng Đế, dùng “google miệng” hỏi sẽ được người dân tận tình hướng dẫn đường đi đến xã Tây Vinh (nơi có tháp Dương Long), ghé tham quan các làng nghề gốm Vân Sơn, tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu... và các làng quê yên bình, có nhiều nhà trồng hoa, tạo hình cổng bằng cây xanh đẹp mắt. Sau khi tham quan tháp Dương Long, có thể quay ngược lại đi thêm khoảng 5 km để đến vùng đất An Thái (xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn), nơi còn khá nhiều công trình kiến trúc xưa, cùng các làng nghề bún, bánh để tham quan hoặc đi xuống thị trấn Phú Phong ghé Bảo tàng Quang Trung...
● Từ TP Quy Nhơn đi theo hướng cầu Thị Nại có thể rẽ trái theo tuyến đường QL 19 mới đang hoàn thiện để đến điểm giao QL 1A ở đoạn cầu Bà Gi, rồi đến tháp Bánh Ít gần hơn khá nhiều so với đi các tuyến đường khác (đi đường này còn tiện để ghé thăm Tiểu chủng viện Làng Sông). Giá vé tham quan tháp Bánh Ít, Cánh Tiên, Dương Long là 15.000 đồng/địa điểm, mở cửa phục vụ từ 7 giờ 30 đến 11 giờ 30 và 14 giờ đến 16 giờ 30 tất cả các ngày trong tuần.
● “Tháp Chăm Bình Ðịnh luôn hiện ra trong tôi hình ảnh của một người bộ hành đi bộ qua không gian và xuyên thời gian. Người-đi-bộ-vĩ-đại ấy lại luôn chọn điểm dừng - dù trên cao - giữa những xóm làng bình dị, nơi cuộc sống lặng lẽ hay trào cuộn trôi qua với những người nông dân mộc mạc...”
Nhà thơ Thanh Thảo
HOÀI THU