Đổ xô đi tiêm ngừa cúm
Lo ngại về dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân đổ xô đi tiêm ngừa cúm mà không biết rằng vắc xin cúm không thể phòng ngừa, hoặc hạn chế mắc Covid-19. Nhu cầu tiêm ngừa tăng đột ngột khiến các cơ sở tiêm dịch vụ không đáp ứng đủ.
Nhu cầu tăng vọt
Sáng 6.3, tại phòng tiêm chủng dịch vụ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), bé Nguyễn Mai Châu Ngân (22 tháng tuổi, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước) là trường hợp tiêm liều vắc xin ngừa cúm cuối cùng. Chị Mai Thị Khương, mẹ bé Châu Ngân, thở phào: “Thấy dạo này dịch bệnh nhiều quá, nên tôi cho con gái đi tiêm vắc xin phòng cúm. Mũi tiêm đầu cách đây 1 tháng, giờ đến mũi thứ 2”. Trong khi đó, rất nhiều người chậm chân hơn, đến CDC đều nhận được câu trả lời: Hết vắc xin!
Tiêm vắc xin ngừa cúm cho trẻ tại Phòng khám đa khoa Thu Phúc (TP Quy Nhơn).
Điểm tiêm CDC là một trong số ít địa chỉ có dịch vụ tiêm vắc xin phòng bệnh cúm của tỉnh. Từ đầu năm 2020 đến nay, số lượng khách hàng tiêm vắc xin cúm tăng đến 300% so với trước khi có dịch Covid-19. Cụ thể, tháng 1 có 332 lượt tiêm vắc xin cúm thì đến tháng 2 vọt lên 934 lượt. Nhân viên y tế ở phòng tiêm cho hay, vắc xin không nhiều, về bao nhiêu là tiêm hết ngay.
Bác sĩ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc CDC, phân tích: Nguyên nhân khiến nhu cầu tiêm vắc xin ngừa cúm tăng mạnh có một phần từ việc “đứt” hàng thời gian dài, đến cuối năm 2019 mới có trở lại. Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán rơi vào giao mùa Đông - Xuân, cũng là cao điểm dịch cúm; ngay khi ấy lại có chuyện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Những yếu tố này khiến người dân lo lắng, nhu cầu tiêm vắc xin tăng vọt gây ra tình trạng quá tải hoặc khan hiếm cục bộ vắc xin.
Tại một số TTYT huyện, thị xã, thành phố, cơ sở tiêm chủng tư nhân, nhu cầu tiêm chủng vắc xin ngừa cúm mùa từ đầu năm 2020 đến nay cũng tăng cao 2 - 3 lần so với bình thường. Theo bà Hoàng Thúy Linh, Giám đốc Phòng khám đa khoa Thu Phúc (TP Quy Nhơn), bình thường mỗi tháng phòng khám tiêm 200 - 300 liều vắc xin ngừa cúm, nhưng tháng 2 vừa qua lên khoảng 700 liều. Có người đưa cả gia đình đến tiêm; một số đơn vị cũng tổ chức tiêm cho nhân viên của mình.
“Đứt” hàng, khan vắc xin
Hiện CDC sử dụng 2 loại vắc xin ngừa cúm là Influvac (Abbott Biologicals B.V - Hà Lan) và Vaxigrip (Sanofi Pasteur S.A - Pháp). Theo ông Trần Văn Thông, Trưởng khoa Dược, kết quả đấu thầu tập trung năm 2018 - 2020, CDC được phân bổ 5.000 liều vắc xin Vaxigrip, nhưng đến tháng 12.2019 mới mua được 1.300 liều, 2 tháng đầu năm 2020 thêm 1.138 liều. Với vắc xin Influvac, kế hoạch thầu là 4.000 liều, song đến cuối năm 2019 chỉ mua được 1.000 liều, tháng 1.2020 có thêm 140 liều, rồi “đứt” hàng. Đến nay, các đơn vị trúng thầu đều thông báo không có vắc xin ngừa cúm.
Ông Bùi Ngọc Lân chia sẻ: “Trong tiêm chủng dịch vụ, không thể nắm chắc số đối tượng tiêm chủng, nhà sản xuất không chủ động được số lượng vắc xin phải sản xuất và cơ sở tiêm chủng cũng khó dự kiến lượng vắc xin cần, dẫn đến nguồn cung luôn không ổn định. Đối với vắc xin cúm, hạn sử dụng ngắn (12 tháng kể từ ngày sản xuất), không thể mua một lúc số lượng lớn; mặt khác lượng vắc xin các hãng cung cấp không nhiều, không tránh khỏi tình trạng đứt hàng. Không riêng vắc xin ngừa cúm, nhiều loại vắc xin hiện cũng đang khan hiếm như vắc xin “6 trong 1”, phế cầu, ung thư cổ tử cung, huyết thanh kháng dại… Nếu người dân đi tiêm phòng ổn định hàng năm thì các nhà sản xuất, nhập khẩu, cơ sở tiêm chủng sẽ có kế hoạch phù hợp để đáp ứng, tránh đến khi có dịch mới đổ xô đi tiêm”.
Hiện nay, việc mua vắc xin dịch vụ của CDC và TTYT huyện phải thực hiện theo cơ chế đấu thầu, nhưng số lượng nhận được thì rất… nhỏ giọt. Mặt khác, khi vắc xin trúng thầu bị “đứt” thì rất khó mua vắc xin khác cùng loại để thay thế vì không có trong danh mục trúng thầu. Trong khi đó, các cơ sở tiêm chủng tư nhân không đấu thầu vắc xin nên khá thuận lợi trong khâu đặt hàng trực tiếp và dễ dàng đặt loại vắc xin khác thay thế. “Dù vậy, chúng tôi chờ chủng vắc xin mới, tức là xác định “đứt” vắc xin ngừa cúm từ giữa tháng 3 này cho đến tháng 7.2020”, bà Hoàng Thúy Linh nói.
Vắc xin cúm không thể ngừa Covid-19
● “Việc chích ngừa cúm là biện pháp hiệu quả nhất trong việc phòng ngừa bệnh này, và nhờ ngừa được bệnh cúm còn giúp giảm tình trạng nặng của một số bệnh, như: Hen phế quản, viêm phế quản tắc nghẽn mãn tính... Tuy nhiên xin nhắc chừng mọi người là vắc xin cúm không thể phòng ngừa, hoặc hạn chế mắc Covid-19”.
Bác sĩ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc CDC
● “Hiện chưa có vắc-xin ngừa Covid-19, việc phòng chống dịch quan trọng ở việc hạn chế tiếp xúc với giọt bắn; vệ sinh nhà cửa, vệ sinh cá nhân, đặc biệt thực hiện tốt rửa tay bằng xà phòng - loại “vắc xin” hiệu quả nhất trong phòng chống dịch bệnh”.
Bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh)
THU HIỀN