Phải thượng tôn pháp luật
Dịch bệnh Covid-19 lây lan nhanh trên toàn cầu là nỗi lo thật sự với mỗi người mỗi nhà. Song, đáng sợ không kém là nạn tin giả và trốn cách ly.
Ngày 12.2, Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh công bố phạt 3 nghệ sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân, Cát Phượng mỗi người 10 triệu đồng do đưa tin sai về dịch bệnh Covid-19. Điều đáng nói là 3 nghệ sĩ này có lượng người theo dõi rất đông trên facebook, thông tin sai lệch gây hậu quả theo cấp số nhân.
Tại Bình Định, Thanh tra Sở TT&TT cũng xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với Nguyễn Quốc Đạt (tạm trú phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) vì hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật trên facebook. Cụ thể, ngày 27.1, Đạt đăng thông tin lên tài khoản facebook có tên “Đội SOS - Hiệp sỹ Quy Nhơn”, với nội dung “Virus Corona đã có dấu hiệu xuất hiện tại TP Quy Nhơn…” gây hoang mang cho người dân.
Bên cạnh nạn “tay nhanh hơn não” là không ít trường hợp “nghịch dại”. Đó là Lê Thanh H. tung lên zalo văn bản giả mạo tỉnh Cần Thơ cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 3. Ở Hải Dương, CA tỉnh này xử phạt 12,5 triệu đồng đối với V.T.T.D. về hành vi phát tán văn bản giả mạo Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục đồng ý cho học sinh nghỉ học.
Song, đáng lên án nhất là những kẻ bất chấp pháp luật, coi thường sức khỏe, tính mạng của người khác khi cố tình trốn tránh cách ly, không chủ động cung cấp thông tin liên quan. Ngày 25.2, facebook lan truyền hình ảnh livestream của một cô gái tự xưng đến từ Daegu - thành phố tâm dịch Covid-19 của Hàn Quốc, nhập cảnh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, chia sẻ “bí quyết” khai báo y tế không trung thực để được nhập cảnh. Ngay sau khi lên mạng khoe “thành tích” trốn cách ly, cô gái đã được ngành y tế Bình Dương đưa đến khu cách ly tập trung của tỉnh để cách ly trong 14 ngày.
Mới nhất, N.H.N - ca bệnh Covid-19 thứ 17 của Việt Nam phát hiện ngày 6.3 - không chủ động thông báo thông tin về lịch trình di chuyển, tự biết có khả năng lây bệnh nhưng không khai báo với cơ quan chức năng. Trước mắt, đã có bác ruột, lái xe của gia đình và 10 hành khách cùng chuyến bay với người này bị lây nhiễm; kéo theo hàng loạt người và một phần khu phố Trúc Bạch (Hà Nội) phải cách ly.
Việc cố tình khai gian, khai không chính xác, che giấu thông tin để “né” cách ly là hành vi vi phạm Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007. Ngoài ra, tùy tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà người trốn tránh cách ly y tế còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015; mức phạt cao nhất từ 10 - 12 năm tù giam.
Xâu chuỗi nhiều sự việc cho thấy thực trạng đáng báo động về sự thiếu hiểu biết, thiếu ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận không nhỏ người dân. Hậu quả là không chỉ tác động đến một vài cá nhân, mà có khi gây hại khôn lường cho cộng đồng, xã hội.
HOÀI NHÂN