Ðào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe: Ứng dụng khoa học công nghệ để kiểm soát việc học và thi
Thời gian gần đây, có thông tin học phí lái ô tô sẽ tăng cao khi Thông tư 38/2019/TT-BGTVT có hiệu lực, nên tại một số địa phương trong nước đã xuất hiện tình trạng ùn ùn đi học lái. Lãnh đạo Sở GTVT khẳng định, đến thời điểm này, công tác quản lý, giám sát việc đào tạo lái xe trong tỉnh được duy trì chặt chẽ; số lượng học viên đăng ký học ở các cơ sở ổn định và chưa có nhiều xáo trộn. Ðáng chú ý, các đơn vị này vẫn giữ nguyên mức phí đào tạo.
Ông Đặng Văn Ái, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết: Sở đang quản lý 5 cơ sở đào tạo lái xe, 6 trung tâm sát hạch lái xe ô tô, mô tô. Song song với công tác quản lý chất lượng công tác đào tạo, Sở GTVT thường xuyên cử cán bộ trực tiếp kiểm tra, giám sát các lớp học Luật Giao thông đường bộ, các kỳ thi sát hạch lái xe được tổ chức đảm bảo đúng quy trình, quy định của Bộ GTVT.
Học viên thực hành lái xe trong sa hình tại Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ GTVT.
Năm 2020 là năm có nhiều đổi mới trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe. Ông Ái nhấn mạnh: Thông tư 38/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ với những thay đổi về chương trình, tăng cường thiết bị đào tạo và ứng dụng công nghệ, công tác giám sát khâu sát hạch cấp GPLX được thực hiện rất chặt chẽ. Thông tư này bổ sung nhiều nội dung liên quan đến các cơ sở đào tạo, sát hạch để đầu tư thêm cơ sở vật chất, nâng cao kỹ năng thực hành, làm quen với nhận diện tình huống giao thông thực tế.
Ông Ái dẫn chứng: Kể từ ngày 1.5.2020, tất cả các trung tâm, cơ sở đào tạo lái xe ô tô trên cả nước sẽ phải triển khai, lắp đặt ứng dụng công nghệ nhận dạng học viên (trừ trường hợp học viên thi bằng lái xe hạng B1) trong thời gian học của bộ môn Pháp luật giao thông đường bộ. Ðiều này đồng nghĩa với việc học viên bắt buộc phải tới lớp học để hoàn thành đầy đủ giáo trình của bộ môn Pháp luật giao thông đường bộ. Ðồng thời, bổ sung đào tạo lý thuyết về đạo đức và văn hóa lái xe.
Ðây là một trong những thay đổi mới và lần đầu tiên được áp dụng trong quá trình đào tạo và sát hạch bằng lái xe ô tô, do có quá nhiều vụ TNGT xảy ra liên quan tới việc sử dụng rượu bia, chất kích thích trước khi tham gia giao thông; những hành vi ứng xử thiếu văn hóa sau khi xảy ra va chạm giao thông. Việc đưa bộ môn học lý thuyết về đạo đức và văn hóa ứng xử trong giao thông vào đào tạo cho học viên là việc cần thiết. Ngoài các thay đổi kể trên, học viên tham gia đào tạo, sát hạch thi giấy phép lái xe ô tô từ năm 2020 cũng cần lưu ý việc đảm bảo đúng thời gian học quy định. Nếu không đạt đủ số giờ học lý thuyết và thực hành trên lớp và sa hình, học viên sẽ không được dự thi tốt nghiệp và sát hạch GPLX…
Đề cập tới công tác chuẩn bị về trang thiết bị, cơ sở vật chất khi Thông tư 38 có hiệu lực, đặc biệt là về yêu cầu tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm bảo đảm kiểm soát tốt quá trình học và thi, ông Chung Thành Ngà, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ GTVT (Sở GTVT), cho hay: Đơn vị đã có kế hoạch cho những đổi mới trong công tác đào tạo, sát hạch theo từng giai đoạn được quy định trong Thông tư 38, nhất là công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng để đảm bảo điều kiện theo tiêu chí quy định của Bộ GTVT. Việc sửa đổi là vậy nhưng sẽ không ảnh hưởng đến học phí. Hiện tại, Trung tâm và các đơn vị đào tạo lái xe trong tỉnh vẫn giữ nguyên học phí như trước đây, không có thay đổi. Ví dụ, tại Trung tâm, mức phí đào tạo nghề lái xe hạng B2 cho một học viên/khóa học là 9,88 triệu đồng; hạng C là 11,63 triệu đồng.
Ở Trung tâm Đào tạo nghề tại Bình Định (thuộc Quân khu 5), mức phí đào tạo nghề lái xe hạng B2 cho một học viên/khóa học vẫn là 10,4 triệu đồng, hạng C là 12,3 triệu đồng. Các đơn vị còn lại thuộc Sở GTVT quản lý là Công ty CP Đào tạo lái xe Tây Sơn, Công ty CP Đào tạo lái xe Miền Trung, Trường CĐ nghề Nông - Lâm Trung Bộ, đều có mức học phí tương đương và không đổi so với trước.
ĐẠI NAM - VĂN LƯU