Dầu phụng Công Chính
Tạo dựng thương hiệu dầu phụng nguyên chất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá trị dinh dưỡng để cung ứng rộng rãi trên thị trường là mục tiêu lớn mà anh Võ Công Chính, 40 tuổi, ở thôn Thái Thuận, xã Cát Tài, huyện Phù Cát, nỗ lực hướng tới.
Anh Công Chính đầu tư máy móc sản xuất dầu phụng.
Nhận thấy sản lượng đậu phụng trồng ở Cát Tài và các xã lân cận khá lớn; một số người dân thu hoạch đậu phụng nhiều nhưng giá thấp nên ép dầu để bán hoặc dùng dần, anh Chính đã gom góp vốn đầu tư gần 400 triệu đồng để mua máy móc, xây nhà kho, mở cơ sở sản xuất dầu phụng Công Chính.
Anh Chính kể: “Trước đây, các loại dầu ăn công nghiệp có giá khá rẻ, trong khi giá 1 lít dầu phụng qua chế biến cao hơn, người dân đã lựa chọn loại rẻ, có sẵn. Những năm gần đây, ý thức được sự an toàn, chất lượng của dầu phụng quê mình, họ đã quay trở lại sử dụng dầu truyền thống”.
Với máy ép công nghệ tiên tiến, dầu sau chế biến sẽ nhiều hơn, trong hơn, không lẫn cặn bã, tạp chất, rút ngắn công đoạn chế biến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguyên liệu dùng để ép là đậu phụng còn nguyên vỏ được phơi khô, đưa vào máy sạc vỏ sạch 100% và cho vào máy ép công nghiệp tiên tiến. Cơ sở Công Chính ép được khoảng 9.000 lít dầu phụng/tháng. Sau khi lấy dầu, phụ phẩm từ xác bánh dầu được các nông dân địa phương thu mua hết để làm thức ăn gia súc, làm phân bón.
Anh Chính đã mạnh dạn vay vốn để tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn mác, rồi đóng chai đưa ra thị trường tiêu thụ. “Để tạo thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường, bản thân tôi không chỉ nỗ lực mà còn nhờ sự giúp đỡ của các hội, sở, ngành trong việc hướng dẫn, tạo điều kiện tham gia các hội chợ quảng bá sản phẩm địa phương được tốt hơn”, anh Chính nhấn mạnh.
LƯƠNG NGỌC TẤN