Có thể nộp phạt vi phạm giao thông trên Cổng Dịch vụ công quốc gia
Sáng 10.3, tại Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chỉ đạo cuộc họp kiểm thử, đánh giá kết quả tích hợp, cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc đẩy mạnh thực hiện hoạt động dịch vụ công quốc gia rất quan trọng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị tại cuộc họp này các cơ quan liên quan đánh giá những tồn tại hạn chế của các dịch vụ bổ sung sẽ thực hiện trong thời gian tới, để dịch vụ công đảm bảo thành công mức độ 3, mức độ 4 trên tinh thần phải cắt giảm được tối đa các thủ tục, trước mắt chưa làm được thì thời gian tới phải tiếp tục làm, đảm bảo tối đa quyền lợi của người sử dụng dịch vụ công theo hướng thiết thực, minh bạch.
Theo báo cáo của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), qua gần 3 tháng triển khai, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã đã tích hợp đăng nhập một lần với 11/22 bộ, ngành; 63/63 địa phương; thực hiện kết nối, đồng bộ trạng thái hồ sơ TTHC với 13/22 bộ, ngành; 63/63 tỉnh, thành phố. Tính đến 17 giờ ngày 9.3, đã có 77.226 tài khoản đăng ký; hơn 20,9 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; tiếp nhận, xử lý 5.780 cuộc gọi tới Tổng đài và 4.513 phản ánh, kiến nghị; hơn 2,6 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trong đó có 13.199 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Bước đầu sẽ có khoảng 8 dịch vụ được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, gồm: Thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Kê khai và nộp thuế doanh nghiệp; Nộp thuế cá nhân; Thu phí, lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy; Đăng ký mã số đơn vị quan hệ ngân sách và khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với Kho bạc Nhà nước; Hủy tờ khai hải quan; khai bổ sung tờ khai hải quan; Đăng ký cung ứng hợp đồng lao động và Đăng ký khai sinh, cấp phiếu lý lịch tư pháp. Đây là những dịch vụ đang khá phổ biến.
Để cung cấp dịch vụ cho người dân tốt nhất, Cổng dịch vụ công tiếp tục bổ sung một số dịch vụ trong thời gian tới.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục Trưởng Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cho biết, người dân có thể nộp phạt vi phạm giao thông trên cổng dịch vụ công quốc gia và có thể nhờ người nộp thay. Đối với cơ quan cảnh sát giao thông căn cứ vào số biên lai thu tiền phạt sẽ tra được quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Hiện, Cơ quan cảnh sát đã thực hiện các hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thành công trên Cổng dịch vụ công quốc gia với các trường hợp vi phạm thực tế.
Cụ thể, người dân vào cổng dịch vụ công của chính phủ nhập số biên bản vi phạm hành chính, họ và tên, ngày tháng năm vi phạm, sẽ tìm ra quyết định xử phạt, có số tiền xử phạt; sau đó lựa chọn ngân hàng và trung tâm thanh toán. Khi thực hiện thành công thanh toán, ngân hàng và trung tâm thanh toán sẽ chuyển lại biên lai thu tiền phạt, cảnh sát giao thông căn cứ vào đó, trả lại giấy tờ cho người dân tại nơi công an ra quyết định xử phạt hoặc qua đường bưu điện.
Kết luận buổi kiểm thử trước khi đưa ra công bố, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tiếp tục nhấn mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh, việc cải cách thủ tục hành chính càng có ý nghĩa, quan trọng. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan, bộ ngành thực hiện nghiêm yêu cầu cải cách của Thủ tướng theo tinh thần năm 2020 phải cải cách rất thực chất. Kết nối không phụ thuộc vào không gian, biên giới, thay vì trực tiếp thì bây giờ phải trực tuyến.
Dự kiến, Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ được công bố tại Hội nghị sơ kết trực tuyến cổng dịch vụ công quốc gia vào ngày 13.3 tới.
Theo Thanh Hà-Phương Thoa (VOV.VN)