Nguồn gốc của “sống mái”
Có lẽ không ít trong chúng ta từng băn khoăn tại sao lại có cách nói “sống mái với nhau một trận”. Đáng lẽ ra phải là “sống chết với nhau một trận” chứ! “Sống mái” thì thật khó hiểu. Có khi nào đây là một từ bị nhầm lẫn dùng lâu thành quen/ đúng như nhiều trường hợp khác trong tiếng Việt?
Thật ra, sống mái là một từ đúng và được ghi nhận trong các cuốn từ điển hẳn hoi. Từ điển tiếng Việt giảng sống mái là “đấu tranh một mất một còn” (Hoàng Phê chủ biên, 1997, tr.837). Nhưng từ đâu mà sống mái lại mang nghĩa trên?
Đầu tiên, sống mái bắt nguồn từ trống mái do biến âm mà thành. Về mặt ngữ âm, hai âm đầu s- của sống và tr- của trống đều là âm đầu lưỡi nên dễ dàng chuyển hóa cho nhau. Như vậy, sống mái là trống và mái, tức giống đực và giống cái của các loài thuộc lớp chim (thỉnh thoảng người ta cũng dùng để gọi cho cá).
Nhưng thật khó hiểu tại sao tổ hợp trống mái là mang nghĩa “đấu tranh một mất một còn”, bởi thông thường, những trận sinh tử như vậy chủ yếu xảy ra giữa những con trống, con đực (để giành bạn tình, giành vị trí đầu đàn...). Câu trả lời nằm ở nguồn gốc của từ này. Sống mái hay trống mái là một từ Việt gốc Hán theo phương thức sao phỏng, bắt nguồn từ hai tiếng thư hùng trong tiếng Hán.
Trong tiến Hán, thư thuộc bộ chuy (liên quan đến chim), nghĩa là “con chim mái”, hùng cũng thuộc bộ chuy, là “con chim trống”. Ban đầu, thư hùng cũng mang nghĩa “trống và mái”, rồi phái sinh nghĩa “phân biệt trên dưới, mạnh yếu” (do quan niệm con trống thì mạnh, con mái thì yếu), từ đó mới có nét nghĩa “một mất một còn”. Từ thư hùng này cũng đi vào tiếng Việt và được dùng với nghĩa tương đương sống mái.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ