Kể từ ngày 1.5.2020: Xe “vô chủ” sớm được “giải phóng”
Từ 1.5.2020, những phương tiện bị tạm giữ quá 10 ngày mà chủ xe không đến nhận, CSGT có quyền tịch thu, bán đấu giá để sung công quỹ. Ðây là một trong những điểm mới tại Nghị định 31/2020/NÐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.
Hàng trăm xe máy vi phạm giao thông ở TP Quy Nhơn bị tạm giữ nhưng chủ xe không đến nhận.
Nghị định 31/2020/NĐ-CP ngày 5.3.2020 (gọi tắt NĐ 31) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 3.10.2013, quy định: Thời hạn 3 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được ghi trong quyết định tạm giữ; nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng; hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm, thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng nơi tạm giữ tang vật, phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ. Hết thời gian này, người vi phạm không đến nhận hoặc không xác định được người vi phạm thì người có thẩm quyền được phép ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định. Việc công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thay vì từ ít nhất 2 lần như quy định hiện hành, còn một lần theo quy định mới.
NĐ 31 còn quy định, xe vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền tạm giữ có thể giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan người có thẩm quyền tạm giữ, nếu đảm bảo các quy định như: Cá nhân vi phạm có nơi đăng ký thường trú; hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn; hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức nơi cá nhân vi phạm đang công tác; tổ chức vi phạm phải có địa chỉ hoạt động cụ thể, rõ ràng. Ngoài ra, NĐ 31 cũng sửa đổi, bổ sung thêm quy định về đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ theo thủ tục hành chính như: Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được xem xét để giao giữ, bảo quản phương tiện. Người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm hành chính có thẩm quyền quyết định cho tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông đó…
Đề cập về NĐ 31, trung tá Hồ Thị Thanh Hải, Phó Đội trưởng Đội CSGT (CA TP Quy Nhơn), cho biết NĐ 31 có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể, chi tiết hơn như thời gian, quy trình thủ tục về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ. Cơ quan có thẩm quyền sẽ giảm bớt thời gian, quy trình thủ tục giải quyết xe vi phạm “vô chủ”, giảm tải các bãi giữ xe bị tạm giữ do vi phạm.
“Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thời hiệu quyết định xử phạt là 1 năm, nên khi tạm giữ phương tiện mà người vi phạm không tới nộp phạt thì phải chờ hết 1 năm mới xử lý được, dẫn đến tồn nhiều phương tiện trong thời gian dài, khiến phương tiện hư hỏng, không sử dụng được. Đơn cử tại TP Quy Nhơn, hiện có hơn 500 phương tiện vi phạm bị tạm giữ (chủ yếu là xe gắn máy) tại 2 kho, bãi. Lượng xe vi phạm ngày càng nhiều, trong khi số lượng xe có thể đem thanh lý còn ít nên các kho, bãi rơi vào tình trạng quá tải. Hiện nay, chúng tôi phải mượn hoặc tận dụng thêm các bãi xe của CA phường Quang Trung, CA phường Trần Phú mới đủ để tạm giữ, bảo quản được xe vi phạm”, trung tá Hải nhấn mạnh.
Còn theo Phòng CSGT (CA tỉnh), đơn vị đang tạm giữ hơn 1.000 phương tiện xe vi phạm giao thông tại các kho, bãi. Lượng xe vi phạm bị tạm giữ ngày càng tăng, trong khi chủ phương tiện thường chọn cách không nộp phạt để nhận lại phương tiện. Nguyên nhân là do mức phạt xử lý vi phạm hành chính quy định trong Luật Giao thông đường bộ cao, thậm chí cao hơn nhiều lần so với giá trị phương tiện vi phạm.
TRỌNG LỢI