Việt Nam đang rơi vào tình trạng khan hiếm máu trầm trọng
Sau dịp Tết Nguyên Đán năm 2020 cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã khiến các bệnh viện trên cả nước rơi vào tình trạng khan hiếm máu trầm trọng do giảm số lượng người người đến tham gia hiến máu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại “Ngày hội Hiến máu tình nguyện Cơ quan Bộ Y tế năm 2020,” diễn ra sáng 12.3 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tham gia hiến máu nhân đạo. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Máu là nguồn chính trong điều trị
Hiện nay, tại Viện huyết học Truyền máu Trung ương chỉ còn 13.000 đơn vị máu - số lượng này chỉ đủ dùng trong vài ngày tới.
Tham gia hiến máu nhân đạo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay ông không nhớ đây là lần thứ bao nhiêu tham gia hiến máu bởi mỗi năm ông tham gia hiến máu vài lần. Lần hiến máu gần đây nhất là vào tháng 11.2019.
Theo thống kê của ngành y tế, lượng máu tiếp nhận hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu, tình trạng khan hiếm người hiến máu trong dịp Hè và Tết Nguyên đán vẫn thường xuyên diễn ra.
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm, cứ 80 người bệnh có một người cần điều trị bằng máu và các chế phẩm máu, cứ 1.000 giường bệnh cần khoảng 7.000 người cho máu. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, nhu cầu máu chiếm khoảng 2% dân số. Theo tính toán, với số lượng dân số 2019 là 96 triệu người, nhu cầu máu của Việt Nam cần khoảng gần 2 triệu đơn vị máu (250ml/đơn vị).
Hiện nay, hàng ngày, hàng giờ, nhiều người bệnh đang phải đối mặt với sự nguy hiểm đến tính mạng do không có đủ máu kịp thời. Máu và sản phẩm máu là loại thuốc đặc biệt lấy từ người. Cho tới nay, đã có nhiều công trình khoa học tìm chất thay thế máu nhưng chưa có kết quả.
“Do đó, máu người vẫn là nguồn chính dùng cho điều trị, cấp cứu người bệnh, phòng ngừa thảm họa và an ninh quốc phòng; mỗi người chỉ cần hiến một phần máu của mình là cứu được tính mạng những người khác,” Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Ở nhiều nước trên thế giới, khi xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm, công tác đảm bảo nguồn người hiến máu và cung cấp máu cũng bị ảnh hưởng và gặp nhiều khó khăn.
70 lịch hiến máu đã bị hủy
Tiến sỹ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết giai đoạn thứ 2 của cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 với khởi phát là xuất hiện bệnh nhân thứ 17 - ca nhiễm đầu tiên tại Hà Nội. Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động hiến máu.
Thách thức đặt ra cho các cơ sở y tế tại Việt Nam là làm sao vừa chống dịch an toàn lại vừa đẩy mạnh hoạt động hiến máu để giảm thiểu nguy cơ thiếu máu cho điều trị.
Theo tiến sỹ Khánh, do ảnh hưởng của dịch giai đoạn 2 cùng với sự vắng vẻ ở các nơi công cộng thì các điểm hiến máu cũng thưa thớt người đến. Nhiều đơn vị đã có kế hoạch tổ chức hiến máu trong tháng 3 đều đã thông báo hoãn lịch hiến máu và khả năng sẽ còn tiếp tục hoãn.
Từ ngày 7.3 đến nay, đã có 70 lịch hiến máu với khoảng 12.000 đơn vị máu trong tháng 3 bị hoãn.
Viện trưởng Bạch Quốc Khánh cũng chỉ rõ, hiện tại, các tài liệu liên quan đến dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra như SARS, MERS hay Covid-19 đều chưa cho thấy bằng chứng về việc các virus đường hô hấp này có khả năng lây truyền qua đường máu. Chính vì vậy, bên cạnh việc tuân thủ các yêu cầu chống dịch, Bộ Y tế kêu gọi các cơ quan, đơn vị, các nhà quản lý và cộng đồng tiếp tục chung sức, đồng lòng tham gia hiến máu để đáp ứng yêu cầu cấp cứu, khám chữa bệnh, điều trị cho người bệnh cần máu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: “Bên cạnh công tác phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện sử dụng máu lập kế hoạch sử dụng máu và chế phẩm máu tiết kiệm, hợp lý trong các trường hợp cần truyền máu và chế phẩm máu, đảm bảo an toàn người bệnh trong truyền máu; phối hợp với Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động các tập thể, cá nhân tham gia hiến máu”.
Theo Thùy Giang (Vietnam+)