Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19
(BĐ) - Chiều 12.3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19. Chủ trì tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu.
Nguồn: BTV
Theo Bộ NN&PTNT, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến ngành Nông nghiệp của cả nước. Hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu giảm 6,7%. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long và các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm vẫn chưa được khống chế… đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của DN và nông dân. Để đảm bảo mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản năm 2020 đạt 42 tỷ USD, Bộ NN&PTNT các địa phương cần phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp.
Tại Hội nghị, nhiều địa phương, đơn vị đã chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19. Báo cáo với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Trên lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích đất sản xuất lúa thiếu nước tưới và mở rộng diện tích cây trồng cạn, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trên lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh tập trung phát triển đàn gia súc, gia cầm chất lượng cao, áp dụng công nghệ cao, đồng thời tăng cường phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Bình Định cũng đang đẩy mạnh phương án quản lý rừng bền vững, phát triển rừng gỗ lớn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vươn khơi bám biển, áp dụng quy trình kỹ thuật khai thác, quản lý, bảo quản sản phẩm cá ngừ của Nhật Bản để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Phải nhận diện nguy cơ, thách thức để có giải pháp thích hợp và thực hiện đồng bộ các giải pháp, phát huy vai trò của người đứng đầu, biến nguy cơ thành cơ hội để thực hiện. Nhằm đảm bảo mục tiêu và kế hoạch đã đề ra, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương, DN phải chỉ đạo cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế vùng, trên cơ sở tăng tỷ trọng nuôi trồng thủy sản và cây ăn quả. Chỉ đạo điều chỉnh phù hợp cơ cấu mùa vụ lúa; rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực; ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến. Khuyến khích DN đầu tư liên kết với nông dân. Bên cạnh đó, tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước. Bộ NN&PTNT cũng sẽ xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển đổi phương thức kinh doanh ngành hàng nông, lâm, thủy sản, theo hướng nâng cao giá trị xuất khẩu.
TIẾN SỸ