Cảnh giác với một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo
Phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh Bình Định đang tiến hành kiểm tra, xác minh các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn tỉnh. Phòng Cảnh sát hình sự thông báo một số phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này để người dân biết, đề cao cảnh giác và tham gia phòng chống có hiệu quả:
1.
Đối tượng sử dụng mạng xã hội facebook, Two… với tên và hình ảnh là người nước ngoài, nhắn tin kết bạn và hứa gửi tặng tiền, quà có giá trị qua đường hàng không. Sau đó, chúng giả Hải quan sân bay quốc tế điện thoại cho bị hại yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản chúng chỉ định với các lý do như nộp phí vận chuyển quốc tế, lo lót… mới được nhận quà. Nhiều người bị lừa đã chuyển tiền vào tài khoản mà đối tượng yêu cầu và bị chúng chiếm đoạt.
2.
Đối tượng giả danh là nhân viên bưu điện, ngân hàng gọi điện cho bị hại, thông báo thuê bao điện thoại, tải khoản đứng tên bị hại có vấn đề phải giải quyết. Tiếp đó, giả chuyển máy để bị hại nói chuyện với người xưng là CA, Viện kiểm sát, dọa rằng bị hại có liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền, tham nhũng với số tiền rất lớn. Chúng gửi qua facebook, zalo cho bị hại thấy hình ảnh các quyết định tạm giữ, lệnh bắt... có tên bị hại. Làm cho bị hại tưởng thật, hoảng loạn rồi chuyển tiền vào các tài khoản mà chúng chỉ định rồi chiếm đoạt.
3.
Đối tượng thông báo cho bị hại đã trúng giải thưởng qua các chương trình tri ân khách hàng trên Facebook rồi lấy thông tin cá nhân của bị hại như: Họ tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng và yêu cầu nộp tiền để làm hồ sơ nhận giải. Một số công dân tin mình trúng giải thưởng thật nên đã nộp tiền cho đối tượng và bị chiếm đoạt.
Một số bị hại khác không nộp tiền để làm hồ sơ nhận giải thì bị các đối tượng gọi điện giả danh là nhân viên ngân hàng thông báo tài khoản ngân hàng của khách hàng bị lỗi nên cần cung cấp các thông tin của tài khoản ngân hàng như: Mã số tài khoản, các mã xác thực giao dịch (mã OTP). Tin tưởng là thật nên bị hại đã cung cấp các thông tin về tài khoản ngân hàng, sau đó toàn bộ số tiền trong tài khoản bị chiếm đoạt.
4.
Đối tượng chiếm quyền sử dụng facebook của công dân. Sau đó dùng facebook này nhắn tin cho người bị hại để mượn tiền hoặc chuyển trả tiền giúp. Bị hại tưởng là thật nên đã đồng ý và chuyển tiền vào tài khoản mà đối tượng yêu cầu. Sau khi chuyển tiền, bị hại đã điện thoại cho người có facebook để xác nhận thì mới biết bị các đối tượng khác chiếm đoạt quyền sử dụng facebook để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
5.
Thông qua các website, mạng xã hội giả mạo, lợi dụng thương hiệu của các ngân hàng, đối tượng tiến hành thu thập đánh cắp, rồi sử dụng các hình thức gửi tin nhắn, đường link với các nội dung như mẫu đăng ký vay trực tuyến, thông báo khách hàng trúng thưởng, nhận tiền từ ngân hàng… Chúng yêu cầu khách hàng truy cập vào các đường link giả và cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, mã OTP khách hàng, sau đó chiếm đoạt tài sản.
B.N