Phản hồi bài báo “Thực hiện chủ trương xóa bỏ lò gạch nung thủ công: Sẽ điều chỉnh lộ trình cho phù hợp”:
Cần có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề
Báo Bình Định số ra ngày 30.11.2013 có đăng phỏng vấn ông Trần Viết Bảo - Phó giám đốc Sở Xây dựng: “Thực hiện chủ trương xóa bỏ lò gạch nung thủ công (LGNTC): Sẽ điều chỉnh lộ trình cho phù hợp”. Sau khi báo phát hành, đã có nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc và cơ quan chức năng chung quanh việc xóa bỏ LGNTC, phát triển vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN). Dưới đây chúng tôi trích đăng một số ý kiến:
Theo lộ trình thì các lò gạch thủ công ở huyện Tây Sơn sẽ đóng cửa vào cuối năm 2014.
- Trong ảnh: Một lò gạch thủ công ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn đang sản xuất. Ảnh: TRỌNG LỢI
Khó trong việc xóa bỏ lò gạch nung truyền thống
Thực hiện Chỉ thị số 04/2011/CT-UBND của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo chuyển đổi LGNTC sang sản xuất VLXDKN của thị xã An Nhơn đã phân công từng thành viên đứng chân các xã, phường, đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung này. Qua công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn, đến nay trên địa bàn thị xã đã có 44/164 LGNTC ngừng hoạt động. Tuy nhiên, vẫn chưa có chủ lò nào chuyển đổi sang các công nghệ sản xuất VLXDKN hoặc tiết kiệm năng lượng. Việc thiếu vốn và công nghệ tạo nên rào cản quá lớn cho địa phương hoàn thành công tác chuyển đổi theo thời hạn quy định.
(Ông Đoàn Tấn Sĩ - Phó trưởng phòng Kinh tế thị xã An Nhơn)
Cần có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp
Huyện Tây Sơn đã tiến hành họp các chủ lò gạch để thông báo cho các hộ kinh doanh LGNTC hạn cuối đến 30.6.2014 phải dừng sản xuất, tháo dỡ lò. Tại cuộc họp, nhiều chủ lò gạch cũng đồng ý với chủ trương của Chính phủ và của tỉnh; tuy nhiên nhiều hộ kiến nghị khi dẹp bỏ các lò gạch truyền thống thì phải có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho người lao động tại các lò gạch. Bởi, hiện các chủ lò không thể đủ tiền để đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch hiện đại. Mặt khác, muốn xóa bỏ làng nghề gạch, ngói truyền thống thì phải có giải pháp chuyển đổi ngành nghề cho người dân phù hợp.
(Ông Nguyễn Chí Quang- Chánh văn phòng UBND huyện Tây Sơn)
Trăn trở khi chuyển đổi nghề truyền thống
Gạch ngói không nung, không sử dụng nguyên liệu đất sét thì phải thay bằng những nguyên vật liệu gì, ví dụ như cát, xi măng hay như thế nào, phải có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để bà con nắm bắt được kỹ thuật sản xuất. Hiện nền kinh tế gặp khó khăn, đầu tư công cắt giảm, thị trường bất động sản đóng băng, sản phẩm vật liệu tiêu thụ đang rất chậm, nên việc chuyển đổi VLXDKN, giá thành cao hơn sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
(Ông Trần Ngọc Trân, ở thôn An Thành, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn)
Lộ trình phải gắn với quy hoạch
Lộ trình thực hiện phù hợp như Sở Xây dựng đưa ra thì chưa đủ, phải cần thêm những chính sách lớn về an sinh xã hội đến với những người dân trong làng nghề. Cụ thể: Chính sách chuyển đổi nghề mới phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, kết hợp với những lợi thế mà địa phương có được. Nghề mới phải đảm bảo cuộc sống cho người lao động thì họ mới an tâm dẹp bỏ nghề cũ. Ví dụ: Làm gạch không nung cần tính đến điều kiện vốn đầu tư, sản phẩm làm ra liệu có cạnh tranh được với những nơi sản xuất theo quy mô lớn hay không?
(hieuannhon@yahoo.com.vn)
1. Theo Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 1.100 lò gạch thủ công (tập trung chủ yếu tại huyện Tây Sơn với trên 900 lò); mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 370 triệu viên/năm, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Riêng sản lượng gạch của huyện Tây Sơn đạt 270 triệu viên/năm (chiếm 80%), các huyện, thị xã còn lại chiếm 20%
2. Sở đã xây dựng lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công theo cán mốc là đến ngày 31.12.2014 đối với các lò nung thủ công nằm trong khu dân cư; đến ngày 31.12.2015 đối với các lò nung thủ công nằm ngoài khu dân cư hoặc trong các điểm sản xuất tập trung ngoài các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và đến ngày 31.12.2016 đối với các lò nung thủ công trên địa bàn tỉnh.
NGỌC DIÊN - TRỌNG LỢI (Tổng hợp)