Khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương: Ðẩy mạnh thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết
Cá ngừ đại dương là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của ngành Thủy sản Bình Ðịnh. Những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương.
Bình Định đã thành lập 3 chuỗi liên kết nhằm giúp ngư dân tiếp cận công nghệ tiên tiến trong đánh bắt, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm cá ngừ đại dương (CNĐD), gồm: Chuỗi khai thác CNĐD theo công nghệ Nhật Bản; chuỗi khai thác, tiêu thụ CNĐD của các tàu lưới vây; chuỗi liên kết giữa chủ tàu - DN - cơ sở mua gom CNĐD.
Tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân Hoài Nhơn cập cảng cá Quy Nhơn bán sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Việt (xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn), chủ 2 tàu cá làm nghề câu CNĐD, chia sẻ: “Trước đây, ngư dân đánh bắt CNĐD chủ yếu bằng nghề câu vàng, nay chuyển sang nghề câu tay kết hợp ánh sáng và áp dụng quy trình Nhật Bản hoặc một phần quy trình này trong khai thác - xử lý - bảo quản, đó là dùng máy tạo xung giết cá, sau đó chọc xả tiết, chọc tủy, loại bỏ nội tạng và rửa sạch cá rồi ngâm lạnh và đưa vào hầm đá lạnh để ướp cá giúp chất lượng cá tốt hơn, tăng hiệu quả kinh tế”.
Các tàu lưới vây của ngư dân Bùi Thanh Ninh (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) cũng phát huy hiệu quả khi thực hiện theo chuỗi liên kết. Ông Ninh cho hay: “Đội tàu của tôi gồm 12 chiếc làm nghề lưới vây CNĐD theo chuỗi liên kết khai thác, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Hàng ngày, tôi ở nhà theo dõi, liên lạc các tàu trong đội để điều phối việc đánh bắt, phân công tàu vận chuyển sản phẩm về bờ tiêu thụ. Thu nhập của các thành viên phụ thuộc vào kết quả khai thác của tàu mình và có sự dung hòa với thu nhập của cả đội tàu”.
Nhiều DN xuất khẩu thủy sản trong tỉnh và các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa thực hiện chuỗi liên kết giữa chủ tàu - DN - cơ sở mua gom, với cam kết mua gom sản phẩm CNĐD của ngư dân Bình Định để chế biến, xuất khẩu. Ông Trần Văn Hồi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Phước Tiến (xã Tam Quan Bắc), cho biết: “Công ty làm đại lý mua gom CNĐD cho DN ở Khánh Hòa, trung bình mỗi tháng mua sản phẩm cho 45 - 50 tàu câu CNĐD của ngư dân Hoài Nhơn, với sản lượng từ 6 - 7 tấn/tháng. Từ năm 2019, công ty đầu tư bảo quản sản phẩm bằng công nghệ nano UFB để giữ độ tươi cho cá tốt hơn, đồng thời định hướng sẽ mua gom, tự chế biến và xuất khẩu sản phẩm CNĐD trong thời gian tới”.
Toàn tỉnh hiện có hơn 2.100 tàu cá chuyên khai thác cá ngừ, trong đó có hơn 1.300 tàu làm nghề câu cá ngừ đại dương. Sản lượng khai thác cá ngừ trung bình 52.000 - 55.000 tấn/năm, riêng sản lượng cá ngừ đại dương đạt từ 9.000 - 10.000 tấn/năm. Tháng 6.2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã chứng nhận nhãn hiệu “Cá ngừ đại dương Bình Ðịnh”.
Việc triển khai các chuỗi liên kết trên đã đạt những kết quả tích cực. Song, vẫn còn nhiều DN chưa thể hiện vai trò trung tâm liên kết với ngư dân; đội tàu đánh bắt nhiều nhưng quy mô sản xuất manh mún, thiếu tính bền vững… Do đó, cần có thêm những giải pháp để phát triển nghề khai thác CNĐD bền vững.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã nhấn mạnh: Tỉnh khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản; đẩy mạnh tuyên truyền ngư dân tham gia chuỗi liên kết để nâng cao năng lực sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, Bình Định đã và đang tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định nhằm gỡ “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu, hướng đến phát triển ngành Thủy sản của tỉnh mang tính bền vững.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN