Xử lý trách nhiệm địa phương để hồ sơ trễ hạn
Kể từ ngày 20.3, nếu các địa phương cấp xã không thực hiện đúng quy định 100% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, xử lý và cập nhật thông qua hệ thống phần mềm một cửa điện tử thì phải xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của UBND cấp xã.
16% hồ sơ trễ hạn
Một trong những chuyển biến đáng kể trong công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là đưa vào sử dụng phần mềm một cửa điện tử (VNPT-iGate) liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã. Theo Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Thái Bình, đây là công cụ đắc lực để phục vụ luân chuyển và theo dõi giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử. “Qua đó, góp phần tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí hành chính. Đồng thời, giúp cho lãnh đạo các cơ quan, đơn vị nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát chặt chẽ trách nhiệm của từng phòng, ban chuyên môn và cá nhân cán bộ, công chức, viên chức có tham gia giải quyết TTHC theo quy định”, ông Bình nhận định.
Mặc dù đã được quan tâm đầu tư xây dựng, hoàn thành phần mềm VNPT-iGate nhưng trong 2 tháng đầu năm nay, UBND xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) chưa sử dụng để thực hiện quy trình giải quyết TTHC theo quy định.
Qua thống kê trên phần mềm VNPT-iGate 2 tháng đầu năm 2020, số lượng hồ sơ TTHC của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh được tiếp nhận và trả kết quả giải quyết đúng hạn tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đạt đến 99,9%.
Song, ở chiều ngược lại, lượng hồ sơ giải quyết trễ hạn tại các địa phương (cấp huyện, cấp xã) còn tồn đọng rất nhiều, chiếm tỷ lệ rất cao: 3.988/24.390 hồ sơ, bình quân 16%. Trong đó, cao nhất là Phù Cát (54%), tiếp đó là Tây Sơn (38%), Tuy Phước (30%), Vân Canh (29%)…
Tuy Phước: Vận hành phần mềm một cửa điện tử tại 100% xã, thị trấn từ ngày 30.3
Tại huyện Tuy Phước, vẫn còn 3 xã: Phước Nghĩa, Phước Thắng, Phước Thuận chưa có phần mềm một cửa điện tử. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ðình Thuận đã yêu cầu UBND 3 xã này phối hợp với đơn vị cung cấp phần mềm (VNPT Bình Ðịnh) rà soát, bổ sung hạ tầng kỹ thuật, cài đặt phần mềm một cửa điện tử và đưa vào vận hành tại bộ phận một cửa trước ngày 30.3.
Bên cạnh đó, có 51 UBND cấp xã mặc dù đã được quan tâm đầu tư xây dựng, hoàn thành phần mềm VNPT-iGate nhưng không sử dụng để thực hiện quy trình giải quyết TTHC theo quy định. Trong đó, nhiều nhất là huyện Phù Mỹ (có 12 xã), tiếp đó là Phù Cát, Tây Sơn (mỗi huyện có 9 xã)...
Điều đó dẫn đến số liệu hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn được công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bình Định thấp dưới mức tối thiểu do Bộ Nội vụ quy định (dưới 95%), ảnh hưởng đến vị trí xếp hạng CCHC của tỉnh, tác động tiêu cực đến những nỗ lực chung của cả tỉnh đối với công tác CCHC.
Xử lý nghiêm tình trạng tắc trách
Trong các cuộc họp, hội nghị về CCHC, xây dựng chính quyền điện tử gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đặc biệt quan tâm đến hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong tiếp nhận và giải quyết TTHC.
Trước tình trạng trễ hạn giải quyết hồ sơ TTHC theo dõi qua phần mềm VNPT-iGate, người đứng đầu chính quyền tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước trong công tác giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đồng thời, chấm dứt tình trạng tiếp nhận trực tiếp hồ sơ TTHC tại cơ quan, đơn vị mà không thông qua Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hoặc bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã.
“Kiên quyết xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân tắc trách, thiếu trách nhiệm để xảy ra trường hợp hồ sơ TTHC giải quyết trễ hạn, quá hạn và thực hiện nghiêm túc việc gửi thư xin lỗi tổ chức, công dân đúng theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Qua đó, tạo nền nếp, kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan, đơn vị”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Với chủ tịch UBND cấp huyện, phải chỉ đạo, quán triệt các địa phương cấp xã thực hiện nghiêm túc việc vận hành, sử dụng phần mềm VNPT-iGate trong giải quyết TTHC. Kể từ ngày 20.3, các địa phương cấp xã không thực hiện đúng quy định 100% hồ sơ TTHC được tiếp nhận, xử lý và cập nhật thông qua phần mềm VNPT-iGate thì phải xem xét, có hình thức xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của UBND cấp xã.
NGUYỄN VĂN TRANG
Là người dân sinh ra và lớn lên ở Bình Định tôi đã bị rất nhiều sự hoạnh hoẹ vô lý khi làm giấy tờ ở địa phương từ cấp xã đến cấp tỉnh kể từ khi còn là thiếu niên cho đến nay.Hiện tại đã 10 năm mà vụ giấy tờ tiêu chuẩn chính sách Bộ Đội Tình Nguyện-Vì Nghĩa Vụ Quốc tế (trên 3 năm trực tiếp chiến đấu ở Chiến trường K -Mặt trận 579) mà chính quyền giải quyết ù ơ kiếm chuyện rồi Thị trấn và Huyện đổ thừa qua lại lẫn nhau vẫn chưa xong, nay hết đường đổ thừa thì Huyện đổ thừa lên Tỉnh Đội và vẫn tiếp tục ngâm hồ sơ. Nếu báo có dịp hay làm một bài phóng sự điều tra thì sẽ còn lôi ra nhiều chuyện lạ như Người đúng Tiêu chuẩn Chính sách nhưng không được hưởng nhưng ngược lại thì được...v.v.. ở cái Huyện Phù Mỹ này.