Thị trường chứng khoán lao đao
Trong tuần qua, chỉ sau 5 phiên giao dịch, vốn hóa thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã “bốc hơi” 26,3 tỷ USD, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng gần 2.100 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do tâm lý nhà đầu tư phản ứng tiêu cực trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp.
Thị trường chứng khoán không như kỳ vọng của nhà đầu tư. Ảnh: CAO THĂNG
Rớt mạnh do tin xấu cộng hưởng
TTCK Việt Nam đã trải qua một tuần giao dịch thảm hại trong lịch sử do tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề sau khi Việt Nam có thêm các ca nhiễm Covid-19. Thị trường phải đối mặt các phiên giao dịch với nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn bị bán tháo về mức sàn và trắng bên mua.
Tuần giao dịch trên TTCK Việt Nam từ ngày 9 đến ngày 13.3 có VN-Index giảm gần 130 điểm (-4,5%) so với tuần trước đó, xuống còn 761,78 điểm. Vốn hóa toàn thị trường giảm 613.000 tỷ đồng (26,3 tỷ USD) xuống 4,1 triệu tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, vốn hóa giảm 443.017 tỷ đồng (18,9 tỷ USD) từ mức 3 triệu tỷ đồng xuống chỉ còn 2,6 triệu tỷ đồng. Đáng lưu ý, trong phiên giao dịch ngày 9.3, VN-Index mất gần 56 điểm (gần 6,3%) - đánh dấu phiên giảm mạnh nhất của thị trường kể từ năm 2002.
Lý giải phiên lao dốc kinh hoàng này, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, TTCK Việt Nam điều chỉnh mạnh là khó tránh khỏi, bởi phiên này trùng với điểm rơi của nhiều tin xấu cộng hưởng. Giá dầu thế giới giảm và có thời điểm giảm đến 30%. Trước các diễn biến trên, ngân hàng Goldman Sachs đã dự báo giá dầu Brent năm 2020 sẽ tiếp tục giảm sâu về mức 20USD/thùng.
Cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản đã công bố số liệu kinh tế năm 2019 với kết quả xấu hơn dự báo, làm gia tăng lo ngại kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, đặc biệt trong bối cảnh tác động ngày càng nặng của dịch Covid-19. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giảm khẩn cấp lãi suất sớm hơn cuộc họp thường kỳ tháng 3 và hiện đã giảm xuống còn 0%-0,25%. Đây là mức cắt giảm lịch sử trong nhiều năm qua.
Điều này dấy lên lo ngại về suy giảm kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu. Dòng tiền đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang các loại tài sản an toàn như trái phiếu và vàng. Chính dòng thông tin tiêu cực với yếu tố chính là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ngay lập tức tác động mang tính cộng hưởng không tốt tới tâm lý của giới đầu tư toàn cầu.
Khối ngoại bán ròng kỷ lục
Kể từ sau Tết Nguyên đán, khối ngoại đã bán ròng trọn cả 7 tuần giao dịch trên sàn TPHCM (HoSE) với giá trị tổng cộng 5.757 tỷ đồng. Trong tháng 2, khối ngoại bán ròng lên tới 2.802,5 tỷ đồng, mức bán kỷ lục trong 1 tháng kể từ năm 2010 tới nay.
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực bán mạnh của khối ngoại. Tuần TTCK giảm mạnh vừa qua cũng có nguyên nhân do khối ngoại tiếp tục duy trì việc bán ròng mạnh. Toàn thị trường trong tuần đã bán ròng 88,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 2.065 tỷ đồng, tăng đến 40% so với tuần trước.
Chỉ trong 1 tuần, VN-Index đã mất gần 130 điểm nên rất nhiều nhà đầu tư thua lỗ nặng nề, khi bắt đáy phiên thứ hai đen tối (phiên giảm kỷ lục gần 6,3%). Nếu sử dụng đòn bẩy tài chính, thua lỗ lại càng nhiều hơn. Nhiều nhà đầu tư không còn tiền mặt để cứu tài khoản sẽ bị các công ty chứng khoán force sell (bán bằng mọi giá). Chị N.C - một nhà đầu tư trên TTCK lâu năm cho biết, chỉ trong một tuần giao dịch, tài khoản của chị đã bay hơn 50% do “ôm” cổ phiếu dòng dầu khí và bluechips.
Nhiều chuyên gia nhận định, việc nhà đầu tư bán tháo có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc rút ròng quá mạnh của các nhóm nhà đầu tư nước ngoài, làm hụt dòng tiền thị trường và buộc nhà đầu tư phải cắt lỗ để bảo toàn danh mục. Khi giá cổ phiếu rơi trên 30%, tất yếu dẫn đến việc xử lý margin hàng loạt.
Thực tế cho thấy, không chỉ các nhà đầu tư cá nhân mà cả tổ chức, thậm chí quỹ đầu tư nước ngoài đang bán mạnh cổ phiếu, chứng tỏ họ vẫn e ngại về diễn biến giá cổ phiếu trong tương lai. Một yếu tố lớn đang chi phối tâm lý nhiều nhà đầu tư là tình trạng bán tháo đang diễn ra trên khắp các sàn chứng khoán thế giới.
Thậm chí, TTCK Mỹ và nhiều nơi khác phải sử dụng công cụ ngắt mạch, tạm ngưng giao dịch để tránh thị trường rơi quá đà, do sự hoảng loạn của nhà đầu tư. So với thế giới, đà giảm của TTCK Việt Nam còn khiêm tốn vì biên độ giá trong phiên tại sàn giao dịch TPHCM khống chế mức 7%. Theo vị này, khi chứng khoán thế giới còn giảm, VN-Index khó mà đi ngược lại.
Theo đại diện Công ty Chứng khoán VNDIRECT, đối với các nhà đầu tư ngắn hạn, thời điểm này không nên bán cổ phiếu bằng mọi giá vì thị trường có thể đã ở gần đáy ngắn hạn. Nên chờ đợi nhịp phục hồi ngắn hạn của thị trường để hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu, tăng tỷ trọng tiền mặt và đặc biệt hạn chế sử dụng margin ở thời điểm này để giảm thiểu rủi ro ngắn hạn.
Riêng nhà đầu tư dài hạn, có thể xem xét giải ngân tỷ trọng nhỏ (20%-30% giá trị danh mục đầu tư dài hạn) khi thị trường về sát vùng hỗ trợ 780-800 điểm và ưu tiên các doanh nghiệp thuộc các ngành ít bị tác động của dịch Covid-19 như ngành công nghệ, tiêu dùng thiết yếu (lương thực, thực phẩm), ngành phân bón (hưởng lợi từ giá dầu giảm mạnh giúp tiết giảm chi phí đầu vào) hoặc các nhóm ngành xuất khẩu mà Việt Nam tự chủ được nguồn cung nguyên liệu và được kỳ vọng phục hồi mạnh khi dịch Covid-19 qua đi như ngành thủy sản (xuất khẩu tôm, cá tra).
Theo NHUNG NGUYỄN (SGGP)