“Tam sao thất bản”
Đây là một thành ngữ quen thuộc trong tiếng Việt. Nghĩa của nó được Từ điển thành ngữ tiếng Việt phổ thông giảng là “sai lạc, mất mát, không giữ đúng như nguyên bản” (Nguyễn Như Ý chủ biên, Nhà xuất bản ĐH Quốc gia Hà Nội, 2002, tr.608). Vậy, do đâu mà nó lại mang nghĩa như trên?
Tam sao thất bản là một thành ngữ gốc Hán. Với nhiều người, thành ngữ này đươc dịch là “3 [lần] chép thành 7 bản” (tam: ba; sao: chép lại; thất: bảy; bản: gốc, tập sách). Tuy nhiên, cách hiểu này chưa thể hiện được ý nghĩa “làm sai lệch nguyên bản”. Bởi dù với 3 lần hoặc hơn, chép ra thành 7 bản hay nhiều hơn nhưng nếu tỉ mỉ, cẩn thận thì vẫn hoàn toàn tránh được sai sót. Hơn nữa, ở những thành ngữ có cấu trúc mXnY (trong đó m, n là các số từ; như ba chìm bảy nổi, năm cha bảy chú, tam phụ bát mẫu, tam hoàng ngũ đế), X và Y luôn cùng từ loại (để đảm bảo tính đối xứng). Trong khi đó, sao (động từ) và bản (danh từ) lại hoàn toàn khác loại.
Nếu sao được dùng với nghĩa danh từ, tức “bản sao” thì thành ngữ trên sẽ là “3 bản sao 7 bản chính” và có thể chấp nhận được với cách hiểu “3 bản sao mà có đến 7 bản chính, biết đâu mà tin”. Ngay cả khi chấp nhận như vậy thì nét nghĩa “làm sai lệch nguyên bản” vẫn không rõ.
Thật ra, thành ngữ trên phải được dịch là “3 lần sao đã làm mất bản gốc” (với từ thất có nghĩa là “mất” chữ không phải là 7). Mới chỉ chép ra đến lần thứ 3 (chưa quá nhiều) đã không còn giữ được nguyên bản. Rõ ràng, đối tượng đã bị làm sai lệch, mất mát so với ban đầu.
Đây là cách nói nhấn mạnh của người xưa về một hiện thực khách quan là sự sai lệch, mất mát khó tránh khỏi trong quá trình truyền đạt thông tin. Dị bản trong văn học dân gian, những tranh cãi về văn bản học chính là minh chứng rõ nét nhất cho sự khái quát của thành ngữ này.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ
Thôi cứ để từ như cũ đi thấy hợp lý và người đọc dễ hiểu vấn đề là được chứ giải thích như thạc sỹ đâm ra khó hiểu. Nếu phải vận dụng để hiểu về "tam sao thất bản" đúng nếu thạc sĩ tìm ra cụm từ bạn đọc thấy phù hợp thì dùng, còn không thì có những cái đừng quá khuôn khổ có khi lại thêm 1 GS Hiền