Giao quyền cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Nâng hiệu quả thực thi Luật Thủy sản
Nhằm nâng cao hiệu quả thực thi Luật Thủy sản, ngành Thủy sản tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hướng đến xây dựng tốt các mô hình cộng đồng quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ được giao quyền theo luật định.
Nhằm phát huy vai trò cộng đồng trong thực thi Luật Thủy sản, đầu tháng 2.2020, UBND TP Quy Nhơn ra quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản (BVNLTS) ven bờ tại khu vực Bãi Dứa, xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn. Đây là mô hình đồng quản lý BVNLTS ven bờ đầu tiên trong tỉnh được thành lập theo Luật Thủy sản năm 2017.
Nhờ quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tốt, ngư dân xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) duy trì được nghề khai thác thủy sản ven bờ ở địa phương.
Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, cho biết: “Tổ cộng đồng BVNLTS xã Nhơn Lý có 60 thành viên, được phép quản lý, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hoạt động liên quan đến nuôi trồng, khai thác thủy sản (KTTS), hoạt động du lịch trong khu vực 8 ha mặt nước tại khu vực Bãi Dứa. Đồng thời, được tham vấn đối với dự án, hoạt động liên quan trực tiếp đến hệ sinh thái hoặc NLTS tại khu vực quản lý; được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo Luật Thủy sản và quy chế cộng đồng”.
Mô hình trên được nhiều người dân ủng hộ. Ông Đinh Văn Xin, chủ nhà hàng du lịch Hướng Dương, ở thôn Lý Lương, xã Nhơn Lý, cho biết: “Lâu nay bà con ở Nhơn Lý cùng chung tay bảo vệ hệ sinh thái biển, rạn san hô để tôm cá sinh sống mang lại sinh kế bền vững cho ngư dân, góp phần kinh doanh du lịch. Nhơn Lý làm du lịch nên càng phải giữ gìn rạn san hô, môi trường biển, có như vậy mới đảm bảo lợi ích lâu dài vì sự phát triển chung. Bởi vậy, các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch ở trong xã rất nhiệt tình tham gia tổ cộng đồng BVNLTS ven bờ, coi đây là một cách thể hiện trách nhiệm của mình”.
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), trong giai đoạn 2007 - 2018, toàn tỉnh thành lập 15 mô hình đồng quản lý BVNLTS ven bờ tại 20 xã, phường ven biển, ven đầm; trong đó có 3 mô hình lớn có nhiều xã tham gia, gồm: Mô hình đồng quản lý đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ); mô hình đồng quản lý khu vực Bắc đầm Thị Nại (huyện Tuy Phước); mô hình cộng đồng quản lý, bảo vệ khu vực biển vịnh Quy Nhơn. Các mô hình giúp cộng đồng nâng cao trách nhiệm, chung tay cùng chính quyền địa phương, ngành chức năng BVNLTS; ngăn ngừa, phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm trong KTTS bằng các nghề cấm, sử dụng ngư cụ cấm, như: Xung điện, xiếc máy, KTTS bằng chất gây mê, chất nổ... mang lại hiệu quả tích cực.
Phát huy hiệu quả của các mô hình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Trần Kim Dương cho biết: “Từ mô hình giao quyền cho cộng đồng quản lý BVNLTS ven bờ ở xã Nhơn Lý, trong năm nay, ngành Thủy sản tỉnh sẽ phối hợp các địa phương thành lập các tổ cộng đồng quản lý BVNLTS theo Luật Thủy sản tại các xã, phường: Nhơn Hải, Nhơn Châu, Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) và mô hình cộng đồng quản lý đầm Trà Ổ. Đối với các mô hình không đủ điều kiện thành lập theo quy định tại các địa phương không có hệ sinh thái đặc trưng, chúng tôi sẽ rà soát lại để đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục duy trì hoạt động BVNLTS với hình thức thành lập tổ bảo vệ của địa phương”.
Từ tháng 7.2019 đến tháng 6.2021, dự án “Nâng cao năng lực của tổ chức cộng đồng địa phương gắn với giao quyền quản lý, bảo vệ san hô tại vùng biển ven bờ thuộc vịnh Quy Nhơn” có tổng chi phí thực hiện hơn 2,7 tỷ đồng; trong đó Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP) tài trợ hơn 1,1 tỷ đồng được triển khai thực hiện tại các xã, phường: Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Châu, Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn). Mục tiêu lâu dài chương trình là thu hút sự tham gia của cộng đồng ngư dân bảo vệ rạn san hô, phát triển nguồn lợi thủy sản và du lịch sinh thái cộng đồng, góp phần tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân, nâng cao hiệu quả trong công tác bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học vùng ven bờ.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN