Khô hạn, thủy điện hoạt động cầm chừng
Mới đầu mùa khô năm 2020, nhưng lượng nước tại các hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh bắt đầu khô cạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát điện của các nhà máy thủy điện. Theo Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 8 công trình thủy điện đang khai thác, vận hành. Trong số đó, 4 công trình có đập hồ chứa thủy điện gồm Vĩnh Sơn, Trà Xom, Vĩnh Sơn 5, Nước Xáng; 2 nhà máy thủy điện tận dụng nguồn nước xả của hồ thủy lợi để phát điện là Định Bình, Văn Phong và Nhà máy thủy điện Tiên Thuận tận dụng nguồn nước xả của Nhà máy thủy điện An Khê để phát điện.
Do thiếu nước, Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5 chỉ hoạt động 50% công suất thiết kế.
2 năm nay, do lượng mưa ít, lượng nước tích trữ trong các hồ chứa thấp, dẫn đến việc phát điện của các nhà máy gặp nhiều khó khăn. Công trình thủy điện Trà Xom được xây dựng trên sông Đak Sơn Lang (thuộc 2 xã Vĩnh Sơn và xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh) gồm 2 tổ máy, tổng công suất phát điện 20 MW. Sản lượng điện trung bình hàng năm phát lên lưới điện quốc gia 85 triệu kWh. “Thiếu nước nghiêm trọng, từ mùa khô năm 2019 đến nay, nhà máy thường xuyên hoạt động cầm chừng, mỗi ngày chạy chừng 4 - 5 giờ đồng hồ. Do vậy, sản lượng điện năng của nhà máy thủy điện Trà Xom phát lên lưới chỉ bằng 30% - 40% công suất so với thiết kế. Trong vài tháng tới, nếu tiếp tục nắng nóng kéo dài thì chắc chắn nhà máy phải ngừng hoạt động”, ông Trần Quang Hiện, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Trà Xom, lo lắng.
Đối với Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5 (trên địa bàn xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh), 2 tổ máy phát điện tổng công suất 28 MW, mỗi năm phát lên lưới điện quốc gia khoảng 110 triệu kWh. Tuy nhiên, ông Trương Tấn Dũng, Phó Giám đốc Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5 cho biết: Trong năm 2019, nhà máy chỉ hoạt động 50% công suất thiết kế, còn thời điểm này, chỉ phát 1 tổ máy với công suất 9 - 10 MW. Đầu năm 2020 đến nay chưa phải cao điểm mùa khô, vậy mà thiếu nước, sản lượng điện phát lên lưới chỉ mới đạt… 4,6 triệu kWh.
Trước tình hình nắng hạn dự báo còn kéo dài, Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng cho hay, các nhà máy thủy điện còn đối diện với nhiều khó khăn. Để giải quyết bài toán hài hòa giữa vận hành phát điện và điều tiết nước cho sản xuất, sinh hoạt ở vùng hạ du, tỉnh đã yêu cầu cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chủ đầu tư các nhà máy thủy điện, chính quyền và người dân trong khu vực về sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm. Về lâu dài, tỉnh cũng kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương cần phối hợp các địa phương rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch hệ thống thủy điện. Đồng thời, phát triển điện năng lượng tái tạo như: Điện mặt trời, điện gió để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
GIA NGUYỄN