Hỗ trợ người nghèo gặp tai nạn đột xuất: Kịp thời, hiệu quả
Biến cố bất ngờ khiến những người đang gặp khó khăn trong cuộc sống mất đi người thân, nhà cửa, tài sản, thậm chí bản thân bị tàn phế. Giữa lúc họ hoảng loạn và gần mất hết hy vọng sống thì nhận được sự tiếp sức kịp thời, hiệu quả của cộng đồng để vượt qua “cơn bĩ cực” và vươn lên.
Anh Nguyễn Văn Vinh (thứ hai, phải sang) nhận tiền hỗ trợ của bạn đọc Báo Bình Định và nhà hảo tâm Nguyễn Lịch (kinh doanh bất động sản ở Quy Nhơn) vào sáng 18.3.
Hơn 10 ngày kể từ khi rời Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) về nhà, ông Trần Thanh Vũ - cha của bệnh nhân Trần Văn Vinh (ở phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn, bị bỏng toàn thân do xăng ngày 17.1) vẫn làm đúng lời bác sĩ dặn, mỗi ngày đắp 20 miếng gạc có thuốc bên trong lên những vết thương trên người con trai. Trong khi một số chỗ trên cơ thể đang héo da dần thì vết bỏng ở hai chân và hai tay Vinh lại chuyển biến khá chậm chạp. Ông Vũ bảo, chỉ tiền mua gạc không thôi mỗi ngày đã tốn 200 nghìn đồng, hàng tháng còn phải vào lại TP Hồ Chí Minh tái khám. “Sau khi con xảy ra chuyện, vợ chồng tôi dành thời gian chăm sóc con, bỏ hết chuyện làm ăn, lại còn vay mượn đủ chỗ để lo thuốc men chữa trị. Vậy nên, không có số tiền hơn 170 triệu đồng được các nhà hảo tâm hỗ trợ và chuyển đến tay kịp thời, chắc chắn con tôi đã không thể hồi phục như thế này. Vợ chồng tôi cũng không thể toàn tâm lo cho con”, ông Vũ tâm sự.
So với gia đình ông Vũ, cơn “ác mộng cuộc đời” còn khủng khiếp hơn đối với gia đình anh Nguyễn Văn Vinh (thôn An Quang, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) vào chiều ngày 8.2 khi chỉ trong chớp mắt, ngọn lửa đã cướp đi của anh cô con gái út yêu quý cùng toàn bộ nhà cửa, tài sản; bản thân anh cũng bị bỏng khi cố lao vào nhà cứu con. Gặp lại anh vào sáng 18.3 tại Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, anh Vinh rơm rớm nước mắt chia sẻ, khi mọi thứ gần như rơi vào tuyệt vọng thì anh liên tục nhận được những lời động viên, hỗ trợ bằng hiện vật và gần 500 triệu đồng. “Tôi có cảm giác như đã gần chìm thì nhận được chiếc phao cứu sinh vậy”, anh Vinh thổ lộ.
Những ngày này, anh Lâm Văn Lý (SN 1986, quê xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn) nằm tại BVĐK tỉnh, mang nỗi đau tàn phế khi bị cắt bỏ hai chân vì bị xe đầu kéo cán ngang người trong lúc làm việc vào ngày 8.3. Từ một người lành lặn, có sức lao động, tự nuôi sống bản thân, giờ đến việc vệ sinh cá nhân anh cũng phải dựa vào người khác. Biết hoàn cảnh của anh Lý, thông qua sự vận động của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, các nhà hảo tâm ngay lập tức tiếp sức. Chỉ khoảng 10 ngày, hơn 100 triệu đồng đã được gửi đến anh. Hiện, Hội vẫn tiếp tục kêu gọi các nguồn lực giúp đỡ anh Lý; đồng thời trao đổi với cán bộ Phòng Công tác xã hội BVĐK tỉnh về khả năng giúp đỡ lắp chi giả cho anh sau khi bớt bệnh. Về phần mình, Hội sẽ tặng anh xe lắc để làm phương tiện di chuyển để kiếm sống sau này…
Theo thống kê 3 tháng đầu năm 2020 của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, số người nghèo gặp tai biến đột xuất tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái, thương tật cũng có phần nặng hơn. Ngoài 2 trường hợp trên, còn có những trường hợp rất thương tâm đã được hỗ trợ kịp thời, như: Trường hợp anh Nguyễn Đăng Khoa (huyện Hoài Ân) bị bỏng điện được hỗ trợ 82 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Tâm (TP Quy Nhơn) bị xuất huyết não, nhận được 63 triệu đồng… Theo ông Trần Đình Ký, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, việc hỗ trợ người nghèo gặp tai biến đột xuất là chuyện “tùy duyên”, nguyên tắc vận động là được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu. Từ đầu năm đến nay, đa số khoản hỗ trợ đều đạt và vượt mong muốn của người nghèo, giúp họ không chỉ đủ trang trải chi phí chữa trị, khắc phục hậu quả mà còn có vốn để mua sắm lại phương tiện làm ăn. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, nhất là khi những người gặp họa là lao động chính trong gia đình. “Thời gian qua, Hội có thay đổi một chút về cách vận động nhà hảo tâm - đó là không chỉ nêu tình trạng bệnh tật mà còn chia sẻ về gia cảnh của bệnh nhân. Có lẽ vậy mà lay động được tấm lòng của nhiều người”, ông Ký cho hay.
NGỌC TÚ