Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”: 12 chỉ tiêu đã đạt và vượt mức
(BĐ) - Sáng 18.3, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”. Tham dự tại điểm cầu Bình Định có Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu.
Nguồn: BTV
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, qua 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 5.8.2009 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” đã đạt kết quả quan trọng. Có 12 chỉ tiêu đề ra đã đạt và vượt mức, trong đó riêng sản lượng lúa năm 2019 đạt 43,4 triệu tấn, vượt mục tiêu đề ra 41 - 43 triệu tấn; sản lượng gạo xuất khẩu đạt 6,34 triệu tấn, vượt 4 triệu tấn. Giai đoạn 2009 - 2019, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng 4,3 lần, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần; toàn ngành Nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá đạt 2,61%/năm, sản xuất hàng hóa chuyển dịch theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Tại Bình Định, qua 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị đến nay, sản lượng lương thực có hạt tăng 7,7%, cây ăn quả tăng gần 71%, sản lượng thịt hơi các loại tăng gần 33%, sản lượng khai thác thủy sản tăng tới 96%. Tuy vậy, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chưa cao, chưa bền vững, đầu ra sản phẩm không ổn định.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả 10 năm thực hiện Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” và chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, chính quyền các cấp tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa nâng cao giá trị xuất khẩu. Đi vào cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tiếp tục tập trung tái cơ cấu toàn diện ngành Nông nghiệp, chú trọng phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy KHKT trong sản xuất nông nghiệp, ưu tiên các phương pháp nghiên cứu chọn giống cây trồng vật nuôi áp dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với công nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, giải quyết nhanh tình trạng mất mùa, được giá, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, nâng cao giá trị gia tăng ngành Nông nghiệp.
TIẾN SỸ