Hướng về quê hương
Xa quê Hoài Ân từ lúc 5 tuổi, nhưng mối duyên sâu đậm với quê nhà lại đưa ông Dương Tấn Tiễn (62 tuổi, ở xã Hiệp Thạnh, huyện Ðức Trọng, tỉnh Lâm Ðồng) trở về quê hương theo một cách thật đặc biệt. Trước Tết Nguyên đán 2020, gia đình ông và bạn bè đã ủng hộ 1,2 tỷ đồng để xây 30 căn nhà tình thương cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Hoài Ân.
Ông Dương Tấn Tiễn (thứ ba từ phải sang) đại diện gia đình và các nhà hảo tâm, bạn bè bàn giao nhà tình thương cho người nghèo Hoài Ân vào trước Tết Nguyên đán 2020.
Căn nhà nhỏ của bà Đinh Thị Lợi (79 tuổi, ở thôn Phú Văn, xã Ân Thạnh) đơn sơ với bộ bàn ghế, ti vi, chiếc giường. Dăm thứ vật dụng ấy đều cũ kỹ, có phần xiêu vẹo. Chỉ riêng khung ngôi nhà thì cứng cáp. Bà bảo: “Nhà tôi bữa nay ngon rồi. Chỗ ăn, chỗ ngủ đều không sợ sập, sợ dột”. Bà Lợi từng không dám nghĩ đến căn nhà mới. Đôi lúc, bà nghĩ vui: Căn nhà có lẽ cũng đang già đi, giống như bà - người phụ nữ còm cõi sống cùng đứa con trai mắc bệnh tâm thần. Nhưng trước Tết Nguyên đán 2020, bà nhìn căn nhà thành hình mà xúc động không nguôi. Căn nhà của bà được gia đình và bạn bè ông Dương Tấn Tiễn ủng hộ 40 triệu đồng, các con góp thêm chút ít nữa để xây thành.
Nhà của ông Trần Hữu Nghị (48 tuổi, ở thôn Vĩnh Hòa, xã Ân Đức) cũng đã hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Ngoại trừ gian nhà khách được lát gạch men tinh tươm thì nền nhà bếp lẫn buồng ngủ mới chỉ tráng qua một lớp xi măng. Ông Nghị lý giải: “Cũng còn khó khăn quá nên tôi chỉ dám làm tới đây thôi. Tôi bị tai nạn lao động, chấn thương hai tay, không thể lao động như trước. Vợ và một đứa con đang kiếm tiền từ nghề bán vé số ở Sài Gòn. Tôi ở nhà với con trai út, chăm mẹ già bị tai biến, nằm liệt một chỗ. Trước đó, nhà tôi sập do mưa gió nhưng vì chưa có tiền nên không thể xây lại, đành tá túc trong nhà cũng đã lâu năm của mẹ. Cũng nhờ chú Tiễn, gia đình tôi mới có thể cất nhà, tạm bớt một nỗi lo”.
Nói về hoạt động ý nghĩa mà gia đình vừa triển khai tại quê hương Hoài Ân, ông Dương Tấn Tiễn tâm sự: “Nhà tôi làm ăn bình thường chứ không giàu có như mọi người nghĩ đâu. Nhưng, có một cái duyên kỳ lạ giúp chúng tôi làm được hoạt động này. Năm ngoái, con của tôi đi công tác, có dừng chân tại Bình Định đúng những ngày diễn ra cơn bão số 5, số 6. Nó về bàn với tôi về việc giúp đỡ bà con. Vậy là cả nhà, rồi họ hàng, sui gia, bạn bè của con cái tôi cùng góp vào ủng hộ. Đợt đầu, tôi mang 800 triệu đồng về, dự định hỗ trợ 20 căn nhà với mức 40 triệu đồng/nhà. Nhưng, đi khảo sát cùng với Hội CTĐ địa phương, tôi thấy nhiều người khổ quá. Dân miền Trung mình, làm gì làm cũng ráng chắt chiu dựng cái nhà. Phải khó khăn lắm, họ mới không thể xây, sửa lại nhà. Hiểu điều đó, chúng tôi ráng xin thêm, góp thêm. Cuối cùng, số tiền lên được 1,2 tỷ đồng”.
Thăm lại các ngôi nhà trước Tết, ông Tiễn vui mừng khi thấy những ngôi nhà khang trang thay thế cho những căn nhà gạch cũ, nứt, dột, đổ gãy trước đó. Ông càng vui hơn khi nghe được một số câu chuyện về những người góp công, góp sức xây nhà cho bà con. Như hộ người đàn ông mù Trần Văn Lắm (81 tuổi, ở thôn Thạch Long 2, xã Ân Tường Đông) có người con bị ung thư gan, được chính quyền địa phương đứng ra xây dựng, kêu gọi người giúp đỡ, góp công, giảm chi phí xây dựng cho gia đình.
Bà Ngô Thị Kim Anh, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Hoài Ân, chia sẻ: “Sự quan tâm, đóng góp của gia đình, bạn bè chú Tiễn đối với người nghèo Hoài Ân rất đáng quý. Chú vẫn giữ liên lạc thường xuyên với chúng tôi để chia sẻ, hỏi han về bà con quê hương. Mong chú khỏe mạnh để tiếp tục làm cầu nối yêu thương cho bà con nghèo”.
Ông Tiễn từng chia sẻ: “Gia đình tôi làm việc này không phải để cầu danh, cầu lợi. Chúng tôi chỉ muốn giúp bà con. Về những dự kiến sắp tới, tôi không dám nói trước bởi tình hình sản xuất, làm ăn đang khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Nhưng, tôi vẫn luôn hướng về quê hương, không chỉ bà con Hoài Ân mà tất cả bà con Bình Định và sẵn lòng làm điều ý nghĩa nếu mình đủ sức khỏe, đủ nguồn lực”.
NGUYỄN MUỘI