GIAO DỰ TOÁN KHÁM CHỮA BỆNH BHYT:
Càng có nhiều bệnh nhân, càng thêm lo lắng!
Giao dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT năm 2020 theo hướng đảm bảo giao bằng dự toán đã được phân bổ của năm 2019 đối với bệnh viện công lập của tỉnh, và điều chỉnh theo điều tiết đầu thẻ BHYT và năng lực với bệnh viện, phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, hiện vấn đề này vẫn còn nhiều khúc mắc; cơ sở càng có nhiều bệnh nhân, càng thêm lo lắng.
Phân bổ dự toán với điều chỉnh trên đã được BHXH tỉnh báo cáo lên BHXH Việt Nam, UBND tỉnh ngày 19.3, sau cuộc họp liên ngành BHXH tỉnh - Sở Y tế - Sở Tài chính.
Khoản vượt chi KCB BHYT bị treo, trong đó bao gồm dịch vụ kỹ thuật có cơ cấu gây mê nhưng thực hiện bằng phương pháp gây tê.
Từ “bó tay”, “bó chân” sang “bó chiếu”
Việc giao dự toán chi khám, chữa bệnh (KCB) BHYT cho các địa phương được Thủ tướng Chính phủ thực hiện tại Quyết định 17/QĐ-TTg ngày 2.3.2018, với mục tiêu bảo đảm cân đối quỹ BHYT. Trên cơ sở đó, BHXH tỉnh, Sở Y tế, Sở Tài chính tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tiến hành giao dự toán chi KCB căn cứ vào chi phí của mỗi cơ sở y tế được quyết toán năm trước để giao dự toán cho năm kế tiếp.
Theo bác sĩ CKII Ngô Xuân Thế, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Chỉ đạo tuyến (BVĐK tỉnh), trong hai năm 2018 - 2019, việc giao dự toán chi KCB BHYT năm sau thấp hơn số thực tế đã chi năm trước gây rất nhiều khó khăn trong công tác điều trị. Và điểm nghịch lý rất lớn - cơ sở càng KCB cho nhiều bệnh nhân thì nguy cơ vượt dự toán BHYT càng cao. Ngoài bệnh nhân trong tỉnh, BVĐK tỉnh còn “cõng” thêm lượng lớn bệnh nhân các tỉnh lân cận, thường xuyên tiếp nhận thu dung điều trị ở mức 1.500 - 1.700 lượt/ngày. Trong khi chỉ tiêu giường bệnh chỉ là 1.110, nhưng thực tế để đảm bảo bệnh nhân có giường điều trị, bệnh viện buộc phải kê thêm tới 360 giường! Vì thế, việc giao dự toán năm sau thấp hơn tổng chi phí KCB BHYT mà bệnh viện đề nghị BHXH thanh toán là chưa phù hợp.
Nhiều lãnh đạo bệnh viện cũng cho rằng, với cách giao dự toán chi KCB BHYT như hiện nay, số lượt tăng của mỗi năm sẽ không có trong dự toán chi. Tuy biết rằng vẫn còn cơ chế xem xét điều chỉnh bổ sung dự toán nếu cơ sở giải trình hợp lý khoản chi vượt. Nhưng để giải trình được chấp nhận, các bệnh viện buộc phải thực hiện hàng núi giấy tờ và quy trình không hề đơn giản. Trước đây, nhiều bác sĩ hay than thở, cơ chế giao dự toán chi KCB BHYT đang “bó tay”, “bó chân” các bệnh viện công lập. Nói như vậy là vì khi các bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính, ngân sách sẽ không cấp tiền trả lương cho nhân viên nữa; quỹ BHYT giao dự toán lại thấp, bệnh viện lại không được làm dịch vụ; dự toán chi KCB BHYT thì chằng buộc như thế, thì phải gọi là “bó chiếu” mới đúng. Tất nhiên chỉ ví von cho vui, nhưng thực tế các bệnh viện đang gặp rất nhiều khó khăn do cách giao dự toán kể trên.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán cho tỉnh hơn 1.291 tỷ đồng, tăng 32 tỷ đồng so với dự toán của năm trước. Theo Giám đốc BHXH tỉnh Võ Năm, dự toán chi KCB BHYT cho tỉnh đã được Trung ương điều tiết tăng thêm từ quỹ dự phòng, bởi trên thực tế quỹ BHYT của tỉnh thu được 1.232 tỷ đồng (90% trong số này - tương ứng khoảng 1.082 tỷ đồng giao cho các cơ sở KCB BHYT). “Năm nay, liên ngành đã thống nhất điều chỉnh giao dự toán cho 32 cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh phù hợp hơn với điều tiết thẻ BHYT đăng ký ban đầu và năng lực thực tế từng cơ sở”, ông Năm cho hay.
Theo đó, các phòng khám đa khoa tư nhân: 38 Lê Lợi, Hương Sơn, Thành Long, Diêu Trì, Giang San, BVĐK tỉnh - phần mở rộng giao dự toán bằng 80% dự toán được phân bổ của năm 2019. Ba phòng khám đa khoa tư nhân: Phạm Ngọc Thạch, Toàn Mỹ, Thu Phúc giao dự toán 1,2 tỷ đồng/đơn vị. Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa giao 100% chi phí thực tế KCB chuyên khoa Da liễu của năm 2019 (gần 14 tỷ đồng); với các chuyên khoa khác giao bằng 60% dự toán 2019. Các cơ sở KCB còn lại giao dự toán bằng số đã được phân bổ năm 2019.
Thanh quyết toán khoản chi vượt: Vẫn cứ phải chờ?
Trong khi chờ giao dự toán KCB BHYT năm 2020, các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh cũng sốt ruột với khoản thanh toán vượt dự toán đã được cơ quan BHXH thẩm định.
Cụ thể, năm 2018 vượt dự toán chi KCB BHYT toàn tỉnh là 125 tỷ đồng; năm 2019 vượt hơn 90 tỷ đồng; chiếm phần lớn trong số này là BVĐK tỉnh (năm 2018 vượt hơn 84,9 tỷ đồng, năm 2019 vượt hơn 73 tỷ đồng). Lãnh đạo BVĐK tỉnh từng nhiều lần đặt vấn đề, dự toán giao năm sau thấp hơn số thực tế đã chi năm trước nên năm nào bệnh viện cũng bị vượt dự toán. Số vượt dự toán không được thanh toán ngay mà treo lại, khiến đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động, chi trả lương, chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên…
Ông Võ Năm cho biết, 125 tỷ đồng vượt dự toán năm 2018 của Bình Định nằm trong số 5.250 tỷ đồng vượt của cả nước. UBND tỉnh, BHXH tỉnh, Sở Y tế đã nhiều lần báo cáo Văn phòng Chính phủ, Hội đồng quản lý Quỹ BHYT của Trung ương, BHXH Việt Nam, Bộ Y tế, nhưng hiện chúng tôi vẫn đang phải chờ. Để tạo điều kiện, BHXH đã giao bổ sung 80% dự toán chi KCB BHYT trong những khoản vượt đã được thẩm định.
Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, dự toán chi KCB BHYT cho các cơ sở điều trị luôn thiếu và khó tăng thêm, là cách buộc các đơn vị phải siết chặt công tác quản lý để đảm bảo chất lượng KCB, nhưng tránh các chỉ định không phù hợp, các sai sót sẽ bị xuất toán. Tuy nhiên, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cũng cần có sự thống nhất trong việc triển khai các hướng dẫn thực hiện chính sách BHYT, danh mục kỹ thuật triển khai tại các tuyến, tránh hai bên “đá” nhau, cơ sở y tế đã khó lại càng thêm khó.
MAI HOÀNG